Cuối tháng 3-2020, Liên minh toàn cầu Vì sự tham gia của công dân (CIVICUS) có trụ sở tại Nam Phi, với 9.000 thành viên trên toàn thế giới đã ra tuyên bố: “Trong đại dịch Covid-19, các chính phủ không nên coi biện pháp khẩn cấp là cái cớ để hạn chế quyền công dân”. Tuyên bố đã nhắc đến Việt Nam như là một quốc gia “cần đặt nhân quyền làm trọng tâm trong phòng, chống dịch Covid-19”.

Thực tiễn cho thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, cướp đi sinh mạng hàng vạn người, hủy hoại nền kinh tế toàn cầu, một tuyên bố đi ngược lại những nỗ lực của các chính phủ, của hàng tỷ người dân trở nên vô cùng lạc lõng. Cái gọi là “tuyên bố” ấy hoàn toàn không có chỗ đứng trên thực tế, thậm chí còn trở thành luận điểm phản động, có thể gây ảnh hưởng tới công cuộc phòng, chống dịch Covid-19.
Những “thiết chế Covid-19” trên khắp thế giới
Dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết chính quyền các quốc gia, vùng lãnh thổ đều ban hành những luật, quy định mới nhằm đối phó với “cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai”, như cách định danh của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres.
Ông Antonio Guterres cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần đối phó quyết liệt hơn theo đúng tình hình cấp bách của đại dịch Covid-19 hiện nay: “Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác trong lịch sử 75 năm của LHQ. Nó gây chết chóc, gieo rắc sự đau khổ và hoang mang cho cuộc sống của con người. Tuy nhiên, điều lớn hơn cả là một cuộc khủng hoảng nhân loại. Đại dịch Covid-19 đang tấn công vào cốt lõi của xã hội loài người”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của LHQ, nhằm đối phó với đại dịch Covid-19, nhìn rộng ra toàn thế giới, rất nhiều quốc gia đã phải ban bố hoặc sửa đổi các đạo luật nhằm ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 đang gây ra tác hại khủng khiếp cho nhân loại. Không chỉ là sự cảnh tỉnh, hoặc mang tính răn đe, không ít quốc gia như: Nga, Hungary, Ireland, Australia… còn xác định mức hình phạt cao đối với những người có hành vi, biểu hiện làm lây truyền dịch bệnh, tán phát thông tin sai lệch liên quan đến dịch Covid-19…
Tại Hoa Kỳ, sau những tuyên bố thiếu nhất quán với xu hướng xem nhẹ tác động của dịch Covid-19, ngày 3-4, trong họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cho biết Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) kêu gọi mọi người che mặt bằng khăn quàng cổ hoặc khẩu trang vải, để dành khẩu trang y tế cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ. Đây được coi là sự thay đổi quan điểm đáng kể của CDC, cơ quan vài tháng trước vẫn khẳng định phần đa người Mỹ không cần thiết đeo khẩu trang để ngăn virus SARS-CoV-2. Mỹ từ lâu xem hành động này là không cần thiết, nhưng sự nguy hiểm của Covid-19 đã buộc quốc gia này phải thay đổi suy nghĩ. Tại Mỹ, luật pháp cũng có quy định về việc bỏ tù những người vi phạm về tự cách ly trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Như vậy, cần phải thấy rằng: Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19, yêu cầu đặt ra đối với mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là cần phải có những giải pháp cấp thiết để bảo vệ tính mạng con người. Phải khẳng định rằng, tính mạng con người là giá trị cao nhất của quyền con người, và Việt Nam đang nỗ lực hết mình để làm điều thiêng liêng và ý nghĩa đó.
Giá trị cao nhất của quyền con người
Là quốc gia nằm kề Trung Quốc (nơi khởi phát dịch Covid-19), Việt Nam từng bị đánh giá là sẽ ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác. Dù phải đối mặt với khủng hoảng y tế có quy mô toàn cầu, Việt Nam vẫn đang là hình mẫu trong phòng, chống dịch Covid-19 theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế uy tín như: LHQ, Tổ chức Y tế thế giới…
Lý giải về kết quả khả quan trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó chính là sự đoàn kết, thống nhất từ Trung ương Đảng, Chính phủ, tới các cấp chính quyền và tới từng người dân. Cùng với đó, Việt Nam tiến hành một chiến dịch truyền thông rộng khắp, liên tục về dịch Covid-19. Thứ nữa, nhận thức của người dân trước mối nguy hiểm mang tên Covid-19 và những chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch bệnh. Và trên hết, là niềm tin của xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Niềm tin ấy xuất phát từ việc Đảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang đặt sức khỏe, tính mạng con người lên vị trí cao nhất trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Ngay từ khi dịch Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích về kinh tế để phòng, chống dịch, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân.
Thực tế diễn biến thời gian qua, không một bệnh nhân Covid-19 nào ở Việt Nam (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) bị "bỏ lại phía sau”. Không một mối nguy hại nào đối với cộng đồng mà không được chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm. Điều đặc biệt trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao là Chính phủ hỗ trợ điều trị miễn phí hoàn toàn cho người nhiễm virus SARS-CoV-2 và miễn phí sinh hoạt đối với người được cách ly. Chưa hết, người được cách ly phòng, chống Covid-19 còn luôn nhận được sự quan tâm hết mực, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ từ lực lượng làm nhiệm vụ, trong đó nòng cốt là quân đội, công an và y tế.
Chính sách đặt con người ở vị trí cao nhất trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam còn thể hiện bao trùm trên phạm vi toàn xã hội. Đó là việc đẩy mạnh đầu tư công nhằm xây dựng những công trình thiết yếu phát triển kinh tế, tạo việc làm; giảm mạnh lãi suất điều hành, giãn, hoãn thuế để “tiếp máu” cho doanh nghiệp… Triển khai gói an sinh xã hội, nhằm hỗ trợ người yếu thế, doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra; không để người dân nào đói cơm, lạt muối. Chính sách này cũng góp phần dưỡng sức, tái sản xuất sức lao động, là động lực tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới. Về đối tượng được hưởng chính sách, theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ gồm 7 nhóm đối tượng; trong đó, 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách, một nhóm đối tượng được doanh nghiệp hỗ trợ từ khoản vay lãi suất ưu đãi 0%. Mức hỗ trợ cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thủ tướng lưu ý các đối tượng rất cần quan tâm, cần được hỗ trợ, trước hết là hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, người có công, thu nhập giảm sâu do dịch Covid-19.
Trước mối hiểm họa khôn lường của đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước Việt Nam đang làm hết sức vì tất cả người dân. Trong đó, mối ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Điều đó đang được cộng đồng quốc tế công nhận; toàn thể nhân dân ủng hộ. Bởi lẽ đó, việc đề cập đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam của Liên minh toàn cầu Vì sự tham gia của công dân không những trở nên thừa thãi mà thông tin này còn hoàn toàn ngược lại so với thực tế.
Đây không phải lần đầu tiên Đảng, Nhà nước Việt Nam đặt người dân vào vị trí trung tâm trong các đường lối, chính sách lãnh đạo của mình. Mỗi giai đoạn lịch sử, quyền con người ở Việt Nam luôn được coi trọng. Trong thời kỳ chiến tranh, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân đấu tranh giành lại nền độc lập cho Tổ quốc, sự tự do-giá trị lớn nhất của nhân quyền khi đất nước bị xâm lược-cho nhân dân. Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, tốc độ xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam vượt xa Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ. Điều đó làm cho Việt Nam trở thành điển hình của thế giới trong công tác này. Với người dân, khi đời sống còn khó khăn, thoát khỏi đói nghèo chính là quyền mang nhiều ý nghĩa nhất trong vấn đề nhân quyền. Nay, khi dịch Covid-19 đang bùng phát, đối với người dân, quyền được bảo vệ sức khỏe trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Bảo vệ và phát huy quyền con người luôn là giá trị cốt lõi của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
HUY ĐĂNG