Làm nghề trồng lúa vất vả, phụ thuộc vào thiên nhiên nên con người phải đùm bọc nhau để sản xuất. Những điều đó đã hun đúc nên một phẩm chất quý báu ở dân tộc Việt là đoàn kết, yêu thương, chia sẻ. Khi hoạn nạn giặc giã thì “anh em bốn cõi một nhà”, “tướng sĩ một lòng phụ tử” đoàn kết nhau máu mủ như một gia đình, như tình ruột thịt cha con. Từ cổ xưa thần thoại, dù có người anh hùng giúp đuổi giặc thì dân làng cũng đã biết bảo nhau gom góp gạo muối dưa cà để tráng sĩ ăn. Khi hoạn nạn thiên tai thì “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo”, “tối lửa tắt đèn có nhau”…
Người Việt rất coi trọng, đề cao chữ “tình”. “Tình” đi liền với “nghĩa”. Người được quý trọng nhất chưa phải là người tài năng hay địa vị mà là người có tình nghĩa trước sau, sống vì người hơn là vì mình. Tiếng Việt rất phong phú về đại từ nhân xưng, người lớn tuổi gọi ông, bà, bác, bá, xưng con, cháu. Người hơn tuổi mình gọi anh xưng em… Tất cả mọi người như trong một nhà, “Anh em như chân với tay/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”. Có những câu tục ngữ thấm thía, sâu sắc vô cùng: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Một con ngựa đau cả đàn đau theo mà bỏ ăn. Con vật còn thế, chung một nỗi đau, huống nữa là người.
Đạo đức nghĩa tình góp phần kiến tạo nên một phần bản sắc văn hóa Việt. Tình là cái gốc của sự đoàn kết, lòng yêu nước, chí hy sinh… để làm nên chiến thắng. Đuổi xong giặc thù, nỗi đau vẫn nặng, người Việt lại cùng nắm tay nhau yêu thương làm vơi bớt nỗi đau. Các phong trào “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Nhà tình nghĩa”, “Vòng tay nhân ái”, “Nối vòng tay lớn”, “Chung tay vì nạn nhân chất độc da cam”, “Quỹ vì người nghèo”… làm ấm lòng những bà mẹ mất con, những người còn nghèo, làm yên tâm hơn những thương binh còn thiếu mái ấm. Triết lý “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” thật sâu đậm tình người!
Thiên tai dữ dội và tàn khốc luôn tìm cách thử thách con người. Năm 2017 lũ quét khủng khiếp ở Yên Bái, Sơn La. Năm 2019 giặc lửa tàn phá rừng miền Trung… “Rằng trong cơn hoạn nạn ta mới hiểu tận lòng nhau…”. Đồng bào cả nước gom góp từng đồng tiền, từng manh áo, từng cuốn vở. Từng tấm lòng đến với tấm lòng nơi hoạn nạn.
Người Việt yêu thương nhau. Còn yêu cả bạn bè, sẵn sàng hy sinh vì bạn bè. Khi ta chưa khắc phục xong hậu quả chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ gây ra thì cả đất nước Campuchia gặp nạn diệt chủng. “Giúp bạn là giúp mình”. Chúng ta đã lấy máu của mình giúp bạn hồi sinh. Tận đáy lòng bạn cảm ơn, biết ơn Việt Nam, gọi đội quân tình nguyện Việt Nam là “Đội quân nhà Phật”.
Giữa những ngày Covid-19 hoành hành, tuy còn thiếu thốn nhưng Việt Nam đã viện trợ bằng hàng hóa, vật dụng y tế để chia sẻ với nhân dân Trung Quốc. Đấy là tình nghĩa. Đấy là yêu thương “anh em bốn biển một nhà”.
Cả nước cùng “chống dịch như chống giặc”. Có những em bé mới hơn mười tuổi đứng phát khẩu trang cho người đi đường. Số khẩu trang ấy mua bằng tiền mừng tuổi Tết Canh Tý vừa rồi. Việc nhỏ nhưng chí cả nghĩa cao cả!
Việt Nam tự hào có đội ngũ y tá, bác sĩ, điều dưỡng viên, nghiên cứu viên… hoàn thành tốt nhiệm vụ ngăn chặn và đẩy lùi dịch. Họ như những dũng sĩ, những anh hùng trong “cơn bão” dịch!
Người Việt cưu mang, sẻ chia với nhau nỗi cơ hàn. Bà con ngoài Bắc rủ nhau mua thêm quả dưa hấu, cân thanh long… từ miền Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, gặp dịch phải quay về. Những ai được đón về từ nơi dịch phải cách ly cũng an lòng khi được đồng bào nơi biên giới nhường nhà cửa, địa điểm thuận lợi.
“Đồng bào” nghĩa là cùng chung một bọc. Người Việt Nam chung một cội nguồn tổ tiên, chung một mái nhà dân tộc, chung một nghĩa tình anh em. Đó là cội nguồn sức mạnh, là vẻ đẹp trường tồn của người Việt, dân tộc Việt trong dòng chảy “đa đoan” của thời cuộc.