18/2/20

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” - 90 năm nhìn lại

Lịch sử vẻ vang của Đảng 90 năm qua là lịch sử chiến đấu, hy sinh, thế hệ tiếp nối thế hệ của những người Cộng sản Việt Nam cùng với nhân dân và dân tộc mình vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của nhân dân.
“Đảng ta là đạo đức, là văn minh”

90 năm vẻ vang của Đảng chân chính cách mạng
Cách đây 90 năm, ngày 03-02-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này sáng lập và rèn luyện. Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân, là đội tiên phong của giai cấp; đồng thời, là đội tiên phong của dân tộc, trung thành tuyệt đối với lợi ích của giai cấp công nhân, của toàn thể dân tộc và nhân dân Việt Nam, với chủ nghĩa quốc tế chân chính xã hội chủ nghĩa, phấn đấu đến cùng cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đó là lý tưởng, mục tiêu cao quý của Đảng và cũng là trọng trách lịch sử mà giai cấp công nhân, dân tộc và nhân dân giao phó cho Đảng. Nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam hành động của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cơ sở xã hội rộng lớn và bền vững của Đảng là nhân dân, sự đoàn kết, gắn bó của nhân dân với Đảng; là đức hy sinh và lòng dũng cảm của đồng bào đã đùm bọc, chở che, bảo vệ Đảng trong suốt những năm tháng gian nan, đầy thử thách hiểm nguy trước kẻ thù tàn bạo trong chiến tranh chống đế quốc thực dân gần 1/3 thế kỷ (1945 - 1975). 90 năm qua, trong sự sinh thành và trưởng thành của Đảng, đồng bào ta khắp mọi miền đất nước, kể cả đồng bào ta ở nước ngoài, với lòng yêu nước và tinh thần dân tộc luôn hướng về Đảng của mình, gửi gắm vào Đảng bao niềm tin yêu, hy vọng rất đỗi trong sáng, chân thành, ký thác vào Đảng cả cuộc sống và số phận của mình; mong muốn và đòi hỏi Đảng bao điều thiết tha, hệ trọng, sao cho Đảng thật trong sạch để thật vững mạnh như chính Bác Hồ hằng mong, để mãi mãi xứng đáng với niềm tự hào, sự tin cậy của dân tộc và nhân dân.
Ngoài lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Lý do tồn tại của Đảng là ở đó. Đạo đức và văn minh của Đảng cũng là ở đó. Trong những đặc trưng về “Tư cách của người cách mạng”, của Đảng cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đặc biệt nhấn mạnh vào hai điểm cốt lõi thuộc về trí tuệ khoa học, bản lĩnh chính trị và đạo đức cách mạng. Đó là “phải giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng ham muốn về vật chất”1; không được xa dân, vi phạm dân chủ, tự biến mình thành “quan chủ”, lãng quên, lẩn tránh trách nhiệm là đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của dân mà “lên mặt quan cách mạng”. Bởi, xa dân là khởi đầu của sự suy yếu, vì tự đánh mất lòng tin của dân. Quan liêu, lãng phí, tham ô, tham nhũng, gây tổn hại tới lợi ích của dân là có tội với nhân dân và tự làm hoen ố thanh danh của Đảng trong con mắt của người dân. Do vậy, Đảng phải “quang minh chính đại”, “dĩ công vi thượng”, không che dấu khuyết điểm sai lầm, “thẳng tay trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, làm gì, ở cương vị nào” - đó là thước đo của một Đảng “mạnh khỏe, chắc chắn, tiến bộ”. Đồng thời, thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không chỉ về chính trị, tư tưởng và tổ chức mà còn phải đặc biệt chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng về đạo đức, về văn hóa - văn hóa trong Đảng, văn hóa của Đảng lãnh đạo, cầm quyền. Đảng ta là đạo đức, là văn minh bởi nền tảng tinh thần của Đảng là đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch, “tẩy sạch” chủ nghĩa cá nhân, đó là kẻ thù nguy hiểm nhất, ẩn nấp trong mỗi con người, mỗi tổ chức mà từng người, từng tổ chức Đảng phải ra sức chống, dù biết rằng “sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng”.
90 năm truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, đã có hơn 30 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, tổ chức thực hiện, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; tạo nên thế và lực của cách mạng, luôn giữ vững phương hướng chính trị ở những thời điểm bước ngoặt trên con đường Đổi mới - Hội nhập - Phát triển. Quá trình thực hiện đổi mới, Đảng ta luôn nêu cao quyết tâm và tín tâm trước dân tộc và nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi tham nhũng, vượt qua tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ,... để làm tròn trọng trách lịch sử được giao phó, đưa sự nghiệp đổi mới tới thắng lợi và thành công trong hội nhập để mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước trở thành hiện thực.
“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” - sự chứng thực của lịch sử 90 năm
“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” là luận điểm vô cùng sâu sắc và tinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam đã suy nghĩ, tìm tòi, tổng kết nhằm phát triển lý luận kinh điển Mác xít về Đảng Cộng sản và Đảng Cộng sản cầm quyền. Đây chính là một trong những cống hiến nổi bật, một đóng góp vô giá của nhà tư tưởng Mác xít sáng tạo Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, làm sống động, phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lênin từ thực tiễn Việt Nam.
Hồ Chí Minh nói: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng, Đảng ta thật là vĩ đại2. Gắn bó sự nghiệp chiến đấu của mình với cuộc sống của nhân dân, sự phát triển của đất nước và dân tộc, Hồ Chí Minh và Đảng ta hiểu rõ “Thắng đế quốc là tương đối dễ. Thắng bần cùng và lạc hậu còn khó khăn hơn nhiều”3. Vì thế, ngay sau ngày tuyên bố độc lập, Hồ Chí Minh ra ngay quyết sách “chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm” và đường lối “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, “kháng chiến tất thắng để kiến quốc tất thành” mà Người đề ra cũng chỉ với một mục đích vì cuộc sống của dân “ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí, tham ô”. Chúng ta phải làm ngay, “làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có ở, được học hành”. Đảng vĩ đại là vì sự nghiệp ấy. “Đảng là đạo đức, là văn minh” bởi đã vì dân, vì dân tộc, vì Tổ quốc mà hành động như thế, thường xuyên, nhất quán trong suốt những chặng đường cách mạng. Tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Người còn nói rõ, Đảng vĩ đại bởi Đảng nhận lấy sứ mệnh thiêng liêng, nhiệm vụ nặng nề trước nhân dân và dân tộc, đó là một Đảng biết nêu cao trách nhiệm, một Đảng từ nghĩ suy, lo toan đến hành động chỉ một mực vì dân mà thôi: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên, Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hàng ngày của nhân dân”4. Người khẳng định, “Đảng ta vĩ đại vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”5. Khi nhấn mạnh “Đảng ta vĩ đại”, Hồ Chí Minh đã làm rõ cái làm nên sự vĩ đại của Đảng chính là lý tưởng, mục tiêu cách mạng mà Đảng kiên trì lựa chọn, theo đuổi, là động cơ, mục đích chiến đấu của Đảng, là hành động dũng cảm, hy sinh, một lòng một dạ trung thành của lớp lớp thế hệ đảng viên với Đảng, với dân, là trách nhiệm cao cả và sự gắn bó mật thiết với nhân dân.
Một Đảng như thế, một sự nghiệp như thế được lịch sử 90 năm của Đảng, của dân tộc chứng thực. Tầm vóc vĩ đại của Đảng, của dân tộc từ khi có Đảng được tôn vinh và bảo đảm bởi sức mạnh đoàn kết không gì phá vỡ nổi giữa Đảng với Dân, bởi phẩm chất đạo đức của một Đảng chân chính cách mạng và những giá trị văn hóa của Đảng thấm nhuần trong đội ngũ của toàn Đảng, từ thế hệ tiền bối “lập Đảng, lập nước”, các thế hệ lãnh đạo của Đảng qua các thời kỳ đến đội ngũ đảng viên, nhất là ở những cán bộ đảng viên ưu tú nêu cao tấm gương “tận trung với Đảng”, “tận hiếu với dân”. Đó là sức mạnh tinh thần mà cũng là sức mạnh vật chất của Đảng làm nên văn hóa của Đảng, văn minh của Đảng, uy tín và ảnh hưởng rộng lớn của Đảng trong lòng dân, trong đời sống xã hội.
Lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc từ khi có Đảng đã minh chứng cho điều đó. Một Đảng mới 15 tuổi với chưa đầy 5.000 đảng viên đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong thế kỷ XX, xóa bỏ ách thống trị của đế quốc thực dân, phong kiến, khai sinh chế độ dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Châu Á. Chính lòng nồng nàn yêu nước của dân ta, phong trào yêu nước của dân tộc đã là nhân tố không thể thiếu để Đảng ta ra đời và sức mạnh dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại đã thực sự là bệ đỡ tinh thần, cũng là sức mạnh vật chất tạo nên cơ sở xã hội - lịch sử - văn hóa và văn minh cho Đảng ta sinh thành và phát triển. Đó cũng chính là cội nguồn sức mạnh để Đảng ta cầm quyền. Đạo đức của Đảng, văn minh của Đảng là sự kế thừa và phát huy đạo đức, văn minh của dân tộc trong thời đại mới. Ở Việt Nam, đó là thời đại Hồ Chí Minh, thời đại của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta.
Một Đảng mới 30 tuổi (1930 - 1960) đã làm nên lịch sử vẻ vang, thấm sâu tình nghĩa thủy chung son sắt của Đảng với dân, của dân với Đảng, làm nên cả “một pho lịch sử bằng vàng6 như Hồ Chí Minh đã đánh giá. Đảng lãnh đạo toàn dân hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, đánh thắng hai đế quốc Pháp và Mỹ, kiên trì lý tưởng và mục tiêu cách mạng để vững bước đi lên trên con đường lớn của lịch sử: Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, dù phải trải qua biết bao gian nan thử thách.
“Đảng là đạo đức, là văn minh” đã đưa dân tộc ta từ tình cảnh nô lệ, nước mất nhà tan tới độc lập, tự do và làm chủ, đưa dân tộc ta vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân. Hơn nữa, đức hy sinh và lòng dũng cảm vô bờ bến của biết bao chiến sĩ, đồng bào cả nước dưới lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng đã đem cả xương máu của mình để thực hiện giá trị lớn nhất của lịch sử, chân lý lớn nhất của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Thà hy sinh tất cả quyết không chịu làm nô lệ”. Nhờ có Đảng Cộng sản Việt Nam mà dân tộc Việt Nam đã trở thành niềm tự hào của thế giới, tự hào về phẩm giá con người, phẩm giá làm người.
Trong 90 năm lịch sử quang vinh, đã có trên 30 năm Đảng ta lãnh đạo dân tộc tiến vào công cuộc đổi mới, từ năm 1986 đến nay với những thành tựu to lớn, làm thay đổi căn bản diện mạo đất nước, dân tộc và con người Việt Nam, tạo ra thế mới, lực mới của dân tộc. Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã trở thành quyết sách chiến lược, chủ động và kịp thời tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng, đột phá về tư duy lý luận để hình thành nhận thức lý luận mới về chủ nghĩa xã hội, thay đổi mô hình phát triển, từng bước kiến tạo chủ nghĩa xã hội Việt Nam như ngày nay. Nhờ đổi mới, Việt Nam đã thoát hiểm trong bối cảnh quốc tế cực kỳ phức tạp lúc bấy giờ, giữ vững phương hướng chính trị ở thời điểm bước ngoặt, đưa đất nước từng bước ổn định và tiến tới phát triển, chủ động hội nhập quốc tế để phát triển bền vững và hiện đại hóa với sự cộng hưởng các nhân tố nội sinh và ngoại sinh, sự đồng thuận rất cao của ý Đảng - lòng Dân và phép Nước. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển, đã tiến vào quỹ đạo phát triển và hướng tới phát triển bền vững. Mục tiêu của đổi mới “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” cũng chính là tâm nguyện cuối cùng của Hồ Chí Minh viết trong Di chúc từ hơn 1/2 thế kỷ trước.
Làm nên một sự nghiệp như thế là công sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đó là minh chứng rõ rệt nhất, sự chứng thực rõ ràng, khách quan nhất của lịch sử về Đảng và dân tộc ta. Tự hào về “Đảng là đạo đức, là văn minh”, Đảng ta hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng sống còn của sức mạnh đoàn kết, nhất trí trong Đảng, của mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, của sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị đối với sự tồn vong của chế độ và sinh mệnh của Đảng.
Cho nên, hơn ai hết và hơn lúc nào hết, Đảng và Nhân dân ta không chỉ thấy rõ sự chứng thực khách quan của lịch sử về những điều vẻ vang trong lịch sử Đảng 90 năm, mà còn thấy rõ những cảnh báo nghiêm khắc, những đòi hỏi nghiêm túc của chính lịch sử trước thực trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nếu không đủ sức phòng tránh và quyết tâm đẩy lùi tình trạng suy thoái nêu trên, hiểm họa và hậu quả sẽ khôn lường. Đủ hiểu vì sao, cho đến cuối đời, Hồ Chí Minh vẫn dằn vặt khôn nguôi về những vấn đề sinh tử: Đoàn kết, tẩy sạch chủ nghĩa cá nhân, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong Đảng, lại phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, từ Trung ương tới chi bộ như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Đảng cầm quyền phải giữ vững và phát huy “Bốn chữ thật” để xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành và công bộc tận tụy của dân7. Những chỉ dẫn đó của Người mãi mãi còn giá trị và trở nên vô cùng hệ trọng, nhất là trong tình hình hiện nay với Đảng ta.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đảng ta đang ra sức chỉnh đốn Đảng, gắn chặt quyết tâm với hành động để làm cho Đảng thật trong sạch, thật vững mạnh. Chưa bao giờ Đảng ta phải áp dụng những kỷ luật đau đớn, dữ dội như lúc này, nhất là đối với các cán bộ cấp cao, chức vụ cao, quyền lực lớn nhưng đã vấp phải khuyết điểm sai lầm nghiêm trọng làm tổn hại tới uy tín, thanh danh của Đảng, làm tổn thương đến tình cảm, niềm tin của dân với Đảng.
Một “Đảng là đạo đức, là văn minh” sẽ tỏ rõ lòng trung thực, dũng cảm của mình để trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, ở địa vị, cương vị nào theo di huấn Hồ Chí Minh. Đó là hành động cao cả, cần thiết để bảo vệ dân, bảo vệ cái thiện, diệt trừ cái ác, cái xấu, phản dân, hại nước. Đó cũng là điều cần thiết để giữ vững niềm tin của dân với Đảng, để Đảng ta mãi xứng đáng là đạo đức, là văn minh.
GS, TS. Hoàng Chí Bảo
Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Phương Thúy (st)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” - 90 năm nhìn lại

Lịch sử vẻ vang của Đảng 90 năm qua là lịch sử chiến đấu, hy sinh, thế hệ tiếp nối thế hệ của những người Cộng sản Viê...