Nho học có phương châm “Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ”. Với trường hợp ông Kình, chúng ta tạm rút còn lại hai phương châm: Tu thân - Tề gia, hoặc nói nôm na dễ hiểu là trước tự sửa mình, sau chỉnh đốn gia đình chuẩn mực.
Nghị quyết TW 4/Khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ” đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái của một bộ phận cán bội, đảng viên hiện nay. Nghị quyết cũng đã chỉ rõ phải “Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước;
kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí” đây là giải pháp cấp bách, quan trọng nhất được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương chỉ đạo thực hiện quyết liệt trong thời gian qua, đã cho thấy quyết tâm thực sự và đã củng cố thêm niềm tin vào Đảng của các tầng lớp Nhân dân. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt toàn Đảng tự hào nói về truyền thống vẻ vang của Đảng từ ngày thành lập (03/02/1930) đến nay:
“Thực tế từ ngày có Đảng, Nhân dân ta đã có người lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và nhờ thế đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta - Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng. Đồng chí cũng chỉ rõ như một cảnh báo: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Và thực tế đã có những điều đau lòng như thế.
Câu nói “Lò cụ Tổng đang cháy” hay “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” đã thể hiện niềm tin lớn và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta. Ngọn lửa lần này không bùng cháy phừng phừng nhờ “chiêng trống ầm ĩ, hô khẩu hiệu vang trời” mà như lẽ tự nhiên “thế tất phải thế” nên nó sẽ còn nhiệt lượng để cháy mãi. Đã có hàng trăm đảng viên, cán bộ bị xử lý kỷ luật, bị khai trừ khỏi Đảng, trong đó có một số cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống vi phạm pháp luật thậm chí còn công khai “quay mặt, trở cờ” phản bội lý tưởng, đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc. Chỉ xin điểm ra đây một khuôn mặt nổi cộm nhức nhối, đau lòng nhưng không khó hiểu về quá trình suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.
Đó là ông Lê Đình Kình, sinh năm 1936, 55 năm tuổi Đảng, có 2 đời vợ, từng làm Trưởng Công an xã, Chủ tịch rồi Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm, Huyện ủy viên huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội đã chết trong vụ việc ngày 09/01/2020. Nếu không có vi phạm gì, khi ông ta chết sẽ là một đám tang rất to. Tiếc là ông ta đã trượt dài trên con đường suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, cuối cùng trở thành kẻ chủ mưu (nhưng vì đã chết nên không khởi tố) trong vụ án Đồng Tâm đang được Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xét xử từ ngày 07/9/2020 đến ngày 16/9/2020 với 29 bị cáo, trong đó nhiều bị cáo là con, cháu, người trong dòng họ của ông ta. Nguyên nhân, hậu quả suy thoái của ông Lê Đình Kình (và nhiều cán bộ, đảng viên đã suy thoái khác) đối với cá nhân, gia đình họ, xã hội và gây tổn hại cho Đảng và Nhà nước ra sao thì đã quá rõ ràng, các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bênh vực, cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật không thể làm lung lạc lòng tin của nhân dân vào công lý, chính nghĩa và sự thật.
Nho học có phương châm “Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ”. Với trường hợp ông Kình, chúng ta tạm rút còn lại hai phương châm: Tu thân - Tề gia, hoặc nói nôm na dễ hiểu là trước tự sửa mình, sau chỉnh đốn gia đình chuẩn mực. Vậy bản thân và gia đình ông ấy có gì đặc biệt?
Theo thông tin được biết thì ông Lê Đình Kình có hai đời vợ, sinh được mấy người con trai, có mấy cháu nội, trong đó có những cái tên đáng chú ý sau:
1. Lê Đình Công: Con trai người vợ đầu. Có tiền án về tội Cố ý gây thương tích, gây ra ngày 17/11/1998, được Tòa án tỉnh Hà Tây cũ xử 36 tháng tù, cho hưởng án treo.
2. Lê Đình Chức: Con của bà vợ thứ hai. Chức có tiền án 9 tháng tù treo về tội đánh bạc. Ngày 25/11/2011 Tòa án nhân dân huyện Ứng Hòa - Hà Nội tuyên án 9 tháng cải tạo không giam giữ về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
3. Lê Đình Doanh: sinh năm 1988, cháu đích tôn của Lê Đình Kình. Ngày 27/10/2006 bị Tòa án xử 3 năm tù về tội cướp tài sản. Được ra tù ngày 09/5/2008. Vừa ra trại một thời gian, y lại phạm pháp, ngày 31/3/2010, y bị Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy xử 36 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, 12 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, 12 tháng tù tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (cùng bị xử với lê Đình Chức). Tổng hợp hình phạt là 05 năm tù, được ra trại ngày 18/3/2013
4. Lê Đình Uy: cháu nội Lê Đình Kình. Sinh năm 1993, học hết lớp 9 thì nghỉ học. Ngày 11/9/2012 bị Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức xử 15 tháng cải tạo về tội đánh bạc.
Với một đám con và cháu đều là những tên từng là tội phạm và sa vào các tệ nạn xã hội như trên, những ai có lương tri, biết liêm sỉ đều không thể ca ngợi ông Kình biết cách dạy bảo con cháu, tức tề gia. Vậy, thực ra ông ta bắt đầu trượt trên con đường suy thoái từ khi nào? Trong bài trả lời phỏng vấn của TTXVN, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: “Ông Lê Đình Kình, nguyên Huyện ủy viên huyện Mỹ Đức, Bí thư Đảng ủy xã, nguyên Trưởng Công an xã Đồng Tâm. Năm 1982 tại Đại hội Đảng bộ xã Đồng Tâm, do không đủ phiếu bầu, không trúng cử Ban chấp hành Đảng bộ xã, dù đã được bố trí làm thư ký văn phòng UBND xã Đồng Tâm, nhưng ông Kình vẫn nảy sinh tâm lý bất mãn, không mặn mà với công việc”. Có thể thấy đây chính là thời điểm ông Kình bắt đầu suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. “Sau khi nghỉ hưu ông này thường xuyên lôi kéo, tập hợp một số cán bộ cốt cán của xã Đồng Tâm và con cháu trong dòng họ Lê Đình để kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ. Đầu năm 2013, ông Lê Đình Kình đứng đầu thành lập cái gọi là “Tổ đồng thuận” gồm 19 thành viên. Ngoài ông Lê Đình Kình, còn 5 đối tượng chủ mưu cầm đầu, trong đó 3 đối tượng có quan hệ dòng họ với ông Kình (Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh), 40 đối tượng quá khích và số người ủng hộ hoạt động của “Tổ đồng thuận”. Số này chủ yếu là con, cháu ông Kình và người nhà, là số chủ mưu, cầm đầu, quá khích”.
Như vậy, không còn là đang suy thoái nữa, mà như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4/khóa XII đã nói “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường”... mà đã “tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Ngoài ra, còn có những kẻ khác họ nhưng có chung mục đích xấu xa, những kẻ theo hùa để mong hưởng lợi hoặc để thỏa mãn nhu cầu có tiền đển ăn chơi, thỏa mãn thói côn đồ hung hãn như những tên tội phạm sau như
5. Nguyễn Văn Duệ (kẻ cùng với Lê Đình Công đòi “làm cỏ” lực lượng Công an): Năm 1990, y bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) xử phạt 4 năm tù về tội cố ý gây thương tích và tàng trữ vũ khí quân dụng tráp phép. Tiếp đó, ngày 29/8/1993 y bị Tòa án tỉnh Hà Tây (cũ) xử 20 năm tù về tội giết người, cướp tài sản. Khi vào trại giam Thanh Hóa, y trốn khỏi nơi giam giữ và tiếp tục bị xử thêm 7 năm tù về tội trốn khỏi nơi giam giữ.
6. Nguyễn Văn Trung: Ngày 26/6/2012 bị Tòa án nhân dân quận Hà Đông xử 12 tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Chỉ chừng đó thôi, đủ biết “Ngài” Kình đã tập hợp quanh mình những kẻ có đạo đức, lối sống như thế nào rồi! Và càng dễ hiểu vì sao bọn chúng căm hận các đồng chí Công an đến vậy! Không khó hiểu khi những kẻ nhân danh “dân chủ, nhân quyền” ra rả bảo vệ cho bọn chúng, bởi lẽ người xưa từng nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”!
Câu hỏi tiếp theo là vì sao ông ta từng là cán bộ, đảng viên giữ chức vụ chủ chốt tại đại phương một thời gian dài mà con cháu ông ta lại như vậy? Chỉ có thể đặt giả thiết rằng khi có quyền lực, ông ta đã tự biến mình thành một cường hào, ác bá ở địa phương khiến người dân hiền lành, an phận phải run sợ; nên con, cháu ông ta mới cậy thế cha, ông rồi bỏ học ăn chơi, sa vào tệ nạn xã hội, cần tiền phải tìm cách kiếm tiền bất hợp pháp, hoành hành ngang ngược, côn đồ như vậy. Tệ trạng cường hào, ác bá ở nông thôn dựa vào thế lực dòng họ, vây cánh ở địa phương kết bè kết phải để tác oai tác quái, gây bao tội ác, đàn áp người nông dân... từng được cảnh báo qua phóng sự Cái đêm hôm ấy đêm gì? của nhà báo Phùng Gia Lộc, qua các bộ phim truyện truyền hình như, Gió làng Kình, hình ảnh Lê Đình Kình cũng như là nguyên mẫu của nhân vật Trịnh Bá Hàm trong phim Đất và người, là Trịnh Khả của Chuyện làng Nhô hay cha con Bá Kiến của Ngô Tất Tố trong Tắt đèn,...và nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh khác về thực trạng nông thôn Việt Nam, nơi còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của lối sống, nếp suy nghĩ và hành động thời phong kiến, một di căn ung thư về tư tưởng xã hội.
Hậu quả là đến nay, những kẻ hư hỏng đó đã trở thành những tên tội phạm giết người man rợ, đang bị xét xử. Chỉ những kẻ có cùng bản chất đạo đức suy đồi, kiếm tiền bằng mọi cách, kể cả hành vi phản bội Tổ quốc, nhân dân để nhận tiền tài trợ từ các tổ chức chống phá cách mạng Việt Nam thì mới tung hô, ca ngợi, lôi kéo nhau bảo vệ những tên tội phạm như thế. Công an TP. Hà Nội phát hiện một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tài trợ tiền cho nhóm người có liên quan trong vụ án, thông tin này đã chứng minh điều tồi tệ, nguy hại trên.Với những đồng tiền đen tối ấy, ông Kình và đồng bọn bằng những thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc, kể cả dọa dẫm đã tập hợp được một số người dân, trong đó cũng có những tên tội phạm từng bị kết án tù tham gia gây án, trắng trợn thách thức chính quyền, lập kế hoạch tổ chức chống phá lực lượng bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn xã Đồng Tâm.
Về thủ đoạn lừa dối, dụ dỗ thì: “Tổ đồng thuận” tuyên truyền “sẽ được hưởng lợi nếu đòi được đất đồng Sênh, được Nhà nước đền bù hoặc bán với giá là 6 triệu đồng/1m2” để lôi kéo những người dân không có quyền lợi, nghĩa vụ trên đất đồng Sênh tham gia các hoạt động gây mất an ninh, trật tự tại địa phương”. Bạn đọc nào muốn biết rõ thủ đoạn lừa mị người dân nhẹ dạ cả tin và có lòng tham ... đã hùa theo ông ta và đồng bọn chống lại chính quyền, bất chấp luật pháp và đạo lý thì nên tìm video clip bài phát biểu của bà Mai Thị Phấn, người từng bị ông Kình và “Tổ đồng thuận” dụ dỗ, hứa hẹn điều này. Nhưng làm sao sau khi đã nghỉ hưu, hết quyền lực mà ông Kình vẫn lôi kéo, dụ dỗ, thậm chí đe dọa được một số cán bộ và người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm? Bởi vì “Cần phải nói thêm Lê Đình là dòng họ lớn nhất ở xã Đồng Tâm, cùng với tâm lý dòng tộc ở vùng nông thôn là điều kiện thuận lợi để “Tổ đồng thuận” lợi dụng tìm cách đưa người trong dòng họ, người có cùng quan điểm vào các vị trí chủ chốt của xã, thôn thông qua việc thực hiện các quy định trong bầu cử; đồng thời lôi kéo, kích động người dân tham gia các hoạt động gây mất an ninh, trật tự. Thực tế, nhiều vị trí trưởng thôn, phó thôn Hoành trước đây là con, cháu của ông Kình, như Lê Đình Công, nguyên Trưởng thôn là con trai ông Kình; Lê Đình Ba, nguyên Phó thôn là cháu ông Kình...”.
Đây chính là “hỗn hợp” những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống của những cán bộ, đảng viên chỉ lo vun vén vơ vét lợi ích cá nhân; sẽ đến lúc “ma đưa lối, quỷ đưa đường” dẫn đến trở thành kẻ thù của Nhân dân, chống phá Đảng và Nhà nước, tiếp tay hoặc cam tâm làm tay sai cho các thế lực thù địch bên ngoài luôn chực chờ lật đổ chế độ XHCN ở nước ta.
Lê Đình Kình, Bùi Viết Hiểu là những "ma làng" của Đồng Tâm nhưng là “mối nguy đáng báo động đỏ” cho toàn Đảng, nhưng trước hết cho mỗi cán bộ, đảng viên tự nhìn lại mình, trau dồi bản lĩnh chính trị tư tưởng như mài giũa thanh gươm báu bao giờ cũng sắc bén; tự lau rửa đạo đức của chính mình như lau rửa, giữ gìn tấm gương ngọc quý để nó luôn ngời sáng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét