Cứ đến dịp kỷ niệm thắng lợi của cách mạng Tháng Mười vĩ đại, trên mạng xã hội lại có một số quan điểm, ý kiến xét lại về ý nghĩa, giá trị lịch sử của cách mạng Tháng Mười. Đặc biệt, một số quan điểm đã tập trung phủ nhận vai trò lãnh đạo của chính đảng cách mạng của giai cấp vô sản trong cách mạng Tháng Mười, cho rằng cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng tự phát của công nhân, nông dân và binh lính nước Nga khi bị áp bức đến cùng cực. Thực chất, các quan điểm trên đều là các quan điểm phản khoa học, không dựa trên căn cứ lý luận và thực tiễn nhằm thực tiến tới môt cái đích chung là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản nói chung.
“Ngày 7 tháng 11 năm 1917, tiếng súng cách mạng tháng Mười Nga đã vang lên như một hồi kèn xung trận làm chấn động địa cầu, thức tỉnh cả loài người tiến bộ”[1]. Cách mạng tháng Mười Nga, cuộc cách mạng vô sản đầu tiên thành công trên một phần sáu trái đất, đã chặt đứt mắt xích yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc, mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Cuộc cách mạng tháng Mười vĩ đại đã để lại cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói chung cũng như cách mạng Việt Nam nói riêng nhiều bài học kinh nghiêm quý báu. Một trong số những bài học đó chính là bài học về sự lãnh đạo của chính đảng của giai cấp vô sản – nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng tháng Mười.
Trên cở nghiên cứu sâu sắc những quan điểm khoa học, cách
mạng của chủ nghĩa Mác, trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cuộc đấu tranh
của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga, V.I Lênin - lãnh tụ thiên tài
của giai cấp công nhân Nga, ngay từ rất sớm đã nhận thức rõ rằng: sự nghiệp
giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga chỉ có thể đi tới thắng
lợi khi nước Nga có được một chính đảng cách mạng của giai cấp vô sản.
Kế thừa và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác
về đảng cộng sản, V.I Lênin đã khái quát và đưa ra nhiều luận điểm quan trọng
về đảng và công tác xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đồng thời, đã
vận dụng vào thực tiễn quá trình xây dựng đảng Bônsêvíc - chính đảng cách mạng
của giai cấp công nhân Nga: đây chính là
nhân tố có ý nghĩa quyết định nhất dẫn đến thắng lợi của cách tháng Mười và sau
này trở thành bài học kinh nghiệm quý báu cho quá trình
xây dựng chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân nhiều nước trên thế giới.
Đảng
Bônsêvíc Nga có tiền thân từ Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga được thành lập
sớm vào năm 1898 nhưng ban đầu chịu ảnh hưởng tư tưởng của phái kinh tế và
Betxtanh. Ngay sau khi đảng công nhân xã hội dân chủ Nga ra đời, Lênin đã vạch
ra kế hoạch đấu tranh để biến đảng này thành đảng kiểu mới dựa trên nguyên lý
của chủ nghĩa Mác. Tại Đại hội II của Đảng công nhân
xã hội dân chủ Nga (1903), khi thông qua Cương lĩnh và Điều lệ, Đảng chia thành
2 phái: phái đa số do Lênin đứng đầu gọi là "Bônsêvich", phái thiểu số
còn lại do Mactôp (L.Martov) đứng đầu
gọi là "Mensêvich". Tới Đại hội VI họp ở Praha (1912), những người
Bônsêvich cắt đứt quan hệ với Mensêvich, thành lập Ban Chấp hành Trung ương do
Lênin lãnh đạo và Văn phòng Nga của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân xã
hội dân chủ Nga để chỉ đạo các công tác trong nước, thường gọi là Đảng Bônsêvich
(Sau khi cách mạng tháng Mười Nga thành công, Đại hội VII (1918) đổi thành Đảng
Cộng sản (Bônsêvich) Nga).
Suốt quá trình cách mạng tháng Mười, Đảng
Bônsêvíc đã chuẩn bị, chỉ đạo chặt chẽ cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo khởi
nghĩa, Đảng đã kiên quyết đấu tranh chống lại bọn Mensêvíc và bọn xã hội - cách
mạng để giữ vững nguyên tắc của chủ nghĩa Mác. Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng
suốt của Đảng Bônsêvíc Nga đã đưa tới thắng lợi vĩ đại của cách mạng tháng
Mười, mở ra một trang sử mới cho nước Nga cũng như cho giai cấp công nhân và
nhân dân lao động toàn thế giới. Bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng
Bônsêvíc Nga trong cách mạng tháng Mười thể hiện trên những vấn đề cụ thể sau:
Trước hết, Đảng Bônsêvíc Nga đã nhạy bén với tình hình thực
tế cách mạng trong nước và hoàn cảnh quốc tế.
Đầu thế kỷ XX, trung tâm cách mạng thế giới
chuyển từ Đức sang Nga, nước Nga trở thành nơi tập trung mâu thuẫn của thời
đại, là nhà tù của các dân tộc. Với những chính sách sai lầm của chế độ quân
chủ chuyên chế đứng đầu là Nga hoàng, đời sống của nhân dân lao động nước Nga
vô cùng khổ cực. Mâu thuẫn giữa địa chủ và nông nô ngày càng sâu sắc. Mâu thuẫn
mới giữa giai cấp tư sản Nga và giai câp vô sản cũng xuất hiện và ngày càng rõ
rệt. Chính sách phân biệt đối xử của Nga hoàng đã tạo ra mâu thuẫn trong nội bộ
nuốc Nga, giữa các dân tộc thuộc Nga. Bên ngoài, mâu thuẫn giữa nước Nga với
các nước đế quốc khác cũng lên tới đỉnh điểm với mưu đồ chia lại thị trường thế
giới…
Đặc điểm, tình hình đó cộng thêm hậu quả của
cuộc khủng hoảng kinh tế (1900-1903) và thất bại của Nga hoàng trong chiến
tranh Nga-Nhật (1904) đã làm nước Nga lún sâu vào cuộc khủng hoảng trầm trọng.
Nắm bắt chính xác tình hình đó, những người Bônsêvíc trong Đảng công nhân xã
hội dân chủ Nga đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao đông Nga tiến hành cuộc
cách mạng dân chủ tư sản(DCTS) lần thứ nhất (1905). Mặc dù cuộc cách mạng DCTS
lần thứ nhất thất bại nhưng nó đã giáng một đòn mạnh mẽ vào thành trì của chế
độ Nga hoàng, báo hiệu sự sụp đổ của nó trong tương lai.
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918)
nổ ra, chính phủ Nga hoàng nhảy vào tham chiến với mưu đồ đẩy mâu thuẫn trong
nước ra bên ngoài và chia lại thị trường thế giới. Thế nhưng sau hai năm tham
chiến, nền kinh tế Nga trở nên kiệt quệ, nợ nước ngoài lên tới 8 tỉ rúp vàng,
nạn đói diễn ra tràn lan khắp đất nước, mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giai cấp
phát triển đến độ sâu sắc. Việc tham gia vào chiến tranh thế giới lần thứ nhất
của chính phủ Nga hoàng còn làm cho nền độc lập của nước Nga bị đe dọa, nước
Nga đứng trước nguy cơ trở thành thuộc địa của các nước đế quốc khác…
Đứng trước tình hình đó, đầu năm 1917, Đảng
Bônsêvíc Nga đứng đầu là Lênin đã chủ động lãnh đạo phong trào đấu tranh của
công nhân, nông dân và binh linh Nga đứng lên đòi lật đổ Nga hoàng. Dưới sự
lãnh đạo của Đảng Đảng Bônsêvíc, tháng 1 năm 1917 phong trào bãi công của quần
chúng đã phát triển mạnh mẽ ở Pêtơrôgrát. Nhận thấy xu hướng phát triển của phong trào, những
người Bônsêvíc đã chủ trương tiếp tục bãi công để đi đến tổng bãi công và khởi nghĩa. Chủ trương đúng đắn đó đã đưa tới
thắng lợi của quân khởi nghĩa ở Pêtơrôgrát chiều 27 tháng 2 và sau đó là trên
cả nước với sự ra đời của các xôviết.
Sau thắng lợi của cuộc cách mạng DCTS tháng 2,
trong điều kiên có hai chính quyền song song tồn tại là các xôviết của công
nhân, binh lính và chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản. Với đặc điểm là giai
cấp vô sản Nga vẫn chưa đủ mạnh để lật đổ giai cấp tư sản, hơn nữa trong các
xôviết, bọn Mensêvíc vẫn còn chiếm đa số, Lênin và những người Bônsêvíc đã chủ
trương giành chính quyền về tay các xôviết bằng phương pháp hòa bình. Thế nhưng đến
tháng 7 năm 1917, do bọn Mensêvíc và bọn xã hội cách mạng liên minh với giai
cấp tư sản để tiến công Đảng Bônsêvíc, trong nước thì tình hình tiến triển theo
hướng có lợi cho giai cấp tư sản, bên ngoài nguy cơ về sự can thiệp và sự giúp
đỡ từ phía Anh và Pháp cho bọn phản cách
mạng trong nước đang hiển hiện. Mặt khác, vào lúc này công nhân, nông dân và
binh lính Nga đã thấy rõ bộ mặt của giai cấp tư sản và bọn Mensêvíc, sẵn sàng
theo cách mạng, do đó, Lênin và Đảng Bônsêvíc đã chủ trương chuyển phương pháp
cách mạng sang giành chính quyền bằng con đường bạo lực. Phân tích một cách sâu
sắc tình hình trong nước và quốc tế, Đảng Bônsêvíc Nga đã tích cực chuẩn bị mọi
mặt, nắm lấy tình thế và thời cơ cách mạng để phát động khởi nghĩa giành chính
quyền. Sau khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, trước những biến
chuyển mau lẹ của tình hình, Lênin đã quyết định phát động khởi nghĩa sớm hơn
một ngày. Ngày 24 tháng 10 (lịch Nga), từ điện Kremmi, Lênin đã viết thư gửi
các Ban chấp hành trung ương quyết định ngay tức khắc phải khởi nghĩa: "Dù
thế nào ngay tối nay, đêm nay phải bắt chính phủ, tước vũ khí sĩ quan…trì hoãn
là chết". Mệnh lệnh của Lênin đã biến thành hành động của quân khởi nghĩa.
Chỉ trong 2 ngày 24 và 25 tháng 10 cách mạng đã giành được thắng lợi ở
thủ đô và đến đầu tháng 2 năm 1918 cách mạng giành thắng lợi trên toàn quốc
Như vậy, nhờ nắm bắt chính
xác đặc điểm tình hình trong nước, quốc tế
và nắm vững thời cơ cách mạng đó, Lênin và Đảng Bônsêvíc Nga đã lãnh đạo công
nhân, nông dân và binh lính Nga làm nên thắng lợi của cách mạng tháng Mười vĩ
đại, giành chính quyền về tay các xôviết, mở ra một trang sử mới cho các dân
tộc trên toàn nước Nga, đồng thời mở ra một thời đại mới trong lịch sử toàn thế
giới- thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH.
Thứ hai, kiên định mục tiêu lật đổ chế độ
quân chủ chuyên chế Nga hoàng, giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và
nhân dân lao động, đồng thời bám sát thực tiễn vận động của cách mạng, Đảng
Bônsêvíc đã đề ra đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo trong
cách mạng tháng Mười.
Trên cơ sở kiên định mục tiêu đã xác định, trong quá trình chuẩn
bị những tiền đề cho cách mạng tháng Mười đặc biệt sau cuộc cách
mạng DCTS tháng 2, Lênin và Đảng Bônsêvích
đã chú trọng vào những vấn đề thực tiễn như: Tuyên truyền chống chiến tranh đế
quốc; chủ trương “Bôn-sê-vích hóa quân đội”; thiết lập sự kiểm soát của công
nhân đối với sản xuất và phân phối; giải quyết vấn đề trao ruộng đất cho nông
dân... để tập hợp lực lượng quần chúng đông đảo, trung thành với Đảng, qua đó,
nâng cao uy tín, phát triển tổ chức đảng và các xô viết địa phương.
Mặt khác, trong điều kiện tình hình phức tạp sau cuộc cách mạng DCTS tháng
2 với sự tồn tại của hai chính quyền song song, Đảng Bônsêvích đã xác định chủ
trương chuyển biến cách mạng đúng đắn bằng phương pháp hòa bình. Tuy nhiên, sau tháng 7 năm 1917 trước sự tấn công điên cuồng của kẻ thù đối
với Đảng Bônsêvích và những chuyển biến mau lẹ của thực tiễn cách mạng, con
đường hòa bình không còn phù hợp nữa. Lênin và Đảng Bônsêvích đã quyết định phải giành chính quyền bằng con
đường bạo lực. Đây là sự nhạy bén và sáng tạo trong tư duy và năng lực lãnh đạo
của Đảng Bônsêvích Nga.
Nắm chắc tình thế và thời cơ cách mạng, Lênin và Đảng Bônsêvíc đã quyết
định phát động khởi nghĩa vào ngày 25 tháng 10. Sau khi kế hoạch khởi nghĩa bị
lộ, những người Bônsêvíc theo mệnh lệnh của Lênin đã kiên quyết lãnh đạo công
nhân, nông dân và binh lính Nga tiến hành khởi nghĩa ngay trong ngày 24 tháng
10. Chính sự nhạy bén và kiên quyết trong quá trình lãnh đạo đó của Đảng Bônsêvíc
đã làm kẻ thù không kịp trở tay, đưa tới thắng lợi nhanh chóng của quân khởi
nghĩa ở thủ đô trong ngày 25 tháng 10, tạo bàn đạp quan trọng để đánh đuổi bọn
Mensêvíc ra khỏi các xô viết ngay trong Đại hội xô viết toàn Nga trong ngày hôm
đó.
Sau khi cách mạng thắng lợi trên toàn quốc (đầu tháng 2
năm 1918), Đảng Bônsêvíc Nga tiếp tục đề ra đường lối lãnh đạo cách mạng đúng đắn
như đập: Đập tan bộ máy Nhà nước cũ, xây dựng bộ máy Nhà nước
mới; Thông qua: "Sắc lệnh hòa bình" và "Sắc lệnh ruộng đất"; Thành lập Hồng quân để bảo vệ thành quả cách mạng; Quốc hữu hóa các nhà máy xí nghiệp
của giai cấp tư sản, xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa... Những đường lối
cách mạng đúng đắn đó chính là cơ sở để chính quyền xôviết non trẻ đứng vững
trước sự chống phá của thù trong, giặc ngoài, không ngừng lớn mạnh và phát
triển, đưa tới sự ra đời của Liên bang cộng hòa XHCN Xô viết (12/1922).
Thứ ba, trong quá trình lãnh đạo cách mạng tháng Mười, Đảng Bônsêvíc Nga đã kết hợp tốt giữa công tác tư tưởng với công tác tổ
chức các phong trào cách mạng trong quần chúng từ đó tạo ra những chuyển biến
tích cực trong nhận thức và hành động cách mạng của đảng viên và quần chúng
nhân dân.
Trong cách mạng tháng Mười, Lê-nin và Đảng Bônsêvích
không chỉ giáo dục, vận động quần chúng, mà còn trực tiếp tổ chức các phong
trào quần chúng, như: Nông dân chiếm đất hoang của địa chủ, công nhân đấu tranh
và thực hiện ngày làm việc 8 giờ; binh lính bắt tay thân thiện ngoài mặt
trận... Những phong trào này vừa đem lại lợi ích thực tế, vừa tập dượt, rèn
luyện năng lực và kỹ năng đấu tranh cho quần chúng. Thích ứng với mỗi một sự
kiện, mỗi một đối tượng, một thời kỳ chuyển biến của cách mạng, Lê-nin và Đảng
Bônsêvích không chỉ nêu ra cương lĩnh hành động chung, mà còn nêu ra những khẩu
hiệu riêng, cách thức tổ chức riêng để tập hợp, giáo dục, tập dượt quần chúng
cũng như phát triển các tổ chức đảng và các xôviết. Đặc biệt sau cuộc cách mạng
DCTS tháng 2, những người Bônsêvíc đã trực tiếp xuống đường phố với quần chúng,
hòa mình vào phong trào đấu tranh của quần chúng để trực tiếp định hướng nhận
thức, xây dựng niềm tin qua đó thúc đẩy quần chúng nhiệt tình hành động theo
mục tiêu đã xác định của Đảng. Chính việc kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa
công tác tư tưởng và công tác tổ chức các phong trào cách mạng trong quần chúng
đã giúp Lê-nin và Đảng Bônsêvích kịp thời đưa những chủ trương mới của Đảng đến
với quần chúng, biến những chủ trương đó thành hành động cách mạng của quần
chúng. Đây chính là nguồn sức mạnh vĩ đại và to lớn nhất giúp Đảng Bônsêvích Nga
phát huy vai trò lãnh đạo vinh quang
của mình thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng tháng Mười lịch sử.
Như vậy, nghiên cứu, tìm hiều về cách mạng tháng Mười để thấy rằng: dù dòng
chảy lịch sử vẫn trôi với biết bao đổi thay nhưng ý nghĩa lịch sử của cuộc cách
mạng tháng Mười vẫn còn mãi, nó như
mặt trời chói lọi," chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu
người bị áp bức bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có
cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”[2].
Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Mười vĩ đại với bài học về vai trò lãnh đạo của chính đảng cách mạng của giai cấp công
nhân không chỉ có sức sống mãnh liệt trong phong trào cộng sản và công nhân
quốc tế mà nó còn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc khẳng định vai
trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam.
[1] Lê Duẩn: Tiến lên dưới ngọn cờ
cách mạng tháng Mười vĩ đại, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1977, tr. 61
[2] Hồ Chí Minh, tuyển tập, tập 02,
Nxb CTQG, Hà Nội 1980, tr461
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét