Gần đây, trên mạng xã hội, diễn đàn truyền thông và thậm chí ở
một số nghị trường, cụm từ “dân sự hóa quân đội”, “dân sự hóa hoạt động quân
sự” xuất hiện, gây ra không ít tranh luận đa chiều. Đáng lo ngại là việc nhận
thức về nội hàm, bản chất của cụm từ này chưa đầy đủ, thậm chí còn sai lệch
nghiêm trọng-được xem là dấu hiệu ban đầu nhưng khá rõ nét của biểu hiện “tự
diễn biến” trong chính một bộ phận cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, chức
năng và đặc thù hoạt động của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
1. Trước hết, đó là những
“hiến kế” phiến diện về việc cân đối lại ngân sách quốc gia, theo hướng giảm tỷ
lệ GDP đầu tư cho hoạt động quân sự và sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng,
chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Các ý kiến này cho rằng, nên “dân sự
hóa quân đội” theo “lối” phát huy đơn thuần các nguồn lực xã hội để thực hiện
nhiệm vụ quốc phòng, an ninh mà không nên tập trung đầu tư xây dựng “đội quân
chủ lực”, gây ảnh hưởng đến nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế.