Mũi nhọn mà họ tập trung vào là vấn đề nhân quyền với nhiều hình thức tinh vi, thâm độc, xảo trá. Vậy, sự thật những người mà họ gọi là “tù nhân lương tâm” là những ai? Cần khẳng định rằng: Ở Việt Nam không bao giờ có cái gọi là “tù nhân lương tâm” mà thực chất đó chỉ là những người vi phạm pháp luật.

Ai được các thế lực thù địch gọi là “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam?
Sẽ chẳng phải là những cái tên quá xa lạ, bởi những con người ấy đã được báo chí nhắc đến không ít lần. Tuy nhiên, với tuyệt đại đa số người Việt Nam thì những con người ấy chỉ đơn giản là đối tượng vi phạm pháp luật và phải chịu các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Vậy, họ là những ai? Đó là Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long; là Trần Anh Kim, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài… Với người dân Việt Nam, thì các vụ án liên quan đến những đối tượng này chỉ là những vụ án hình sự đơn thuần; họ đều bị các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam truy tố, xét xử do phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Xin được nêu lại một trường hợp cụ thể để minh chứng rõ hành vi phạm tội của những người được các thế lực thù địch gọi là “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam. Cù Huy Hà Vũ, một người được học hành cơ bản, có nhận thức cao và được thừa hưởng nhiều sự ưu ái của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, ảo tưởng với danh vọng, quyền lực, nên Vũ đã lầm đường, lạc lối, có nhiều hành vi đi ngược lại lợi ích của Đảng, Nhà nước và dân tộc Việt Nam. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phát hiện Vũ đã làm ra nhiều tài liệu có nội dung chống Nhà nước Việt Nam để tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, đòi lật đổ chế độ, thực hiện đa nguyên, đa đảng, kêu gọi nước ngoài can thiệp. Không những vậy, Cù Huy Hà Vũ còn có quan hệ với các đối tượng có tư tưởng chống đối Nhà nước Việt Nam; thực hiện nhiều cuộc trả lời phỏng vấn các đài, báo của các đối tượng phản động chống Việt Nam ở nước ngoài có nội dung chống Nhà nước và chuyển tải các tài liệu do Vũ làm ra để chúng sử dụng chống phá Nhà nước Việt Nam… Những hành vi nêu trên của Cù Huy Hà Vũ đã vi phạm nghiêm trọng Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Như vậy, với những chứng cứ hết sức rõ ràng, Cù Huy Hà Vũ đã vi phạm pháp luật của Nhà nước Việt Nam và bị các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam xử phạt theo đúng các quy định của pháp luật. Với kiến thức về pháp luật và được đào tạo bài bản, chắc chắn Cù Huy Hà Vũ nhận thức đầy đủ hành vi phạm tội của mình. Vì vậy, ngay tại phiên tòa Vũ đã phải cúi đầu nhận tội và nói những lời ăn năn, hối cải. Tuy nhiên, đáng tiếc, do ảo tưởng và sự tham vọng quyền lực, cùng với sự lóa mắt trước những cám dỗ vật chất tầm thường, nên sau khi được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, Vũ lại "ngựa quen đường cũ", chống phá đất nước, quê hương của mình, đi ngược lại truyền thống dân tộc và truyền thống gia đình, dòng họ.
Điều rất đáng bàn là những người được các thế lực thù địch gọi là “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam khi bị bắt và khai trước tòa hầu hết đều thừa nhận rằng do không có kiến thức pháp luật, không lường hết hậu quả của những việc đã làm, do nhận tiền và bị xúi giục, thậm chí bị đe dọa nên buộc phải tham gia. Ví như, tại phiên tòa, hai bị cáo Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung đều thành khẩn khai báo, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đã vi phạm pháp luật. Nguyên nhân là do các bị cáo tiếp thu những quan điểm sai trái về “dân chủ”, “nhân quyền” của các thế lực thù địch chống chủ nghĩa xã hội và sự nhìn nhận chủ quan về các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong xã hội. Tại phiên xét xử phúc thẩm diễn ra ngày 11-5-2010, Lê Thăng Long tỏ rõ sự ăn năn, hối cải và nói: “Tôi biết ơn Đảng và Nhà nước đã nuôi dưỡng, giúp đỡ tôi trưởng thành. Tôi không bao giờ muốn xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi mong Hội đồng xét xử khoan hồng cho tôi sớm được trở về với gia đình”.
Còn nhiều trường hợp khác mà chúng tôi không thể dẫn giải hết trong bài viết này để cho thấy họ là những “tù nhân lương tâm” theo cách gọi của các thế lực thù địch, phản động hay là những người vi phạm pháp luật Việt Nam.
Vậy, phải chăng, chỉ có ở Việt Nam mới xử lý những người chống đối nhà nước? Trả lời câu hỏi này, chỉ cần một vài thao tác hết sức đơn giản thông qua công cụ tìm kiếm Google trên internet cũng cho ra hàng trăm nghìn kết quả. Đành rằng, mỗi nước tùy theo những quy định của pháp luật của nước mình để xử lý các hành vi vi phạm của công dân. Ví như, tại Singapore, các hành vi tuyên truyền kích động nhằm mục đích chống phá nhà nước, tung tin giả mạo, thao túng môi trường trực tuyến, gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng, mức phạt lên tới 100.000SGD hoặc thời hạn tù 10 năm. Hoặc kể từ ngày 1-1-2018, các trang mạng xã hội ở Đức nếu để người dùng đăng tải những nội dung, thông điệp mang tính thù hận dân tộc, gây nguy hại đến an ninh quốc gia, lợi ích đất nước đều bị xử lý với nhiều hình thức tùy thuộc vào tính chất, mức độ… Thậm chí ở một số nước, chưa nói đến lợi ích chung của quốc gia-dân tộc, mà chỉ cần tung tin, giả mạo có tính sỉ nhục cá nhân cũng đã bị các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý một cách nghiêm khắc.
Dẫn lại một vài điều trên để nhằm khẳng định rằng: Ở bất kỳ quốc gia nào, những người vi phạm pháp luật cũng sẽ bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật. Đó là một thực tế mà chúng tôi tin rằng, những người lợi dụng vấn đề về dân chủ, nhân quyền nhằm mục đích chống phá Nhà nước Việt Nam hẳn không thể không biết?
Pháp luật của Nhà nước Việt Nam thể hiện ý chí của nhân dân Việt Nam
Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, bất kỳ quốc gia nào cũng đều sử dụng công cụ thông qua hệ thống pháp luật để quản lý xã hội. Mọi hành vi của các tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ những quy định của pháp luật do nhà nước ban hành. Pháp luật của mỗi quốc gia tuy có chung mục đích là để quản lý xã hội, điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân, tổ chức, nhưng chắc chắn sẽ có những điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau, bởi phụ thuộc vào chế độ chính trị, kinh tế-xã hội và những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì vậy, không thể lấy pháp luật của nước này để áp dụng đối với công dân của nước kia và ngược lại. Hơn nữa, hệ thống pháp luật của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở ý chí, nguyện vọng của nhân dân với mục tiêu cao nhất là bảo đảm mọi quyền lợi, lợi ích cơ bản, chính đáng của nhân dân. Hệ thống pháp luật Việt Nam không dành riêng để bảo vệ một người hoặc một nhóm người, mà duy trì mọi hoạt động chung của xã hội, là công cụ quan trọng để nhà nước bảo vệ trọn vẹn quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân trong xã hội.
Điều 15 Hiến pháp 2013 của Nhà nước Việt Nam đã hiến định: “1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. 2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. 4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Căn cứ theo quy định nêu trên, mọi công dân đều có quyền của riêng cá nhân mình, nhưng quyền phải luôn gắn liền với nghĩa vụ. Pháp luật Việt Nam luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của mọi công dân, nhưng cũng luôn đòi hỏi mọi công dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Thực hiện quyền công dân, nhưng không cho phép bất cứ người nào xâm phạm đến lợi ích quốc gia-dân tộc.
Nói vậy, chắc có người cho rằng, người viết chỉ dựa vào hệ thống pháp luật Việt Nam để chứng minh là thiếu khách quan. Vì thế, chúng tôi xin trích dẫn Khoản 2, Điều 29 “Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948” nêu rõ: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra nhằm bảo đảm những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.
Nhìn rộng ra thế giới, một trong những nguyên lý đã được khẳng định: Không có bất kỳ quốc gia nào có thể tồn tại mà thiếu hệ thống pháp luật và luật pháp không thể phát huy hiệu lực của mình nếu không có sức mạnh của bộ máy quốc gia. Để quản lý xã hội, nhà nước phải dùng nhiều công cụ, nhiều biện pháp, nhưng luật pháp là công cụ cơ bản, quan trọng, thiết yếu nhất. Luật pháp và nhà nước luôn có quan hệ khăng khít với nhau. Khi luật pháp phản ánh đúng nguyện vọng, bảo vệ lợi ích chính đáng của dân tộc, của quần chúng nhân dân thì dù chế độ nhà nước nào cũng phải tôn trọng và tuân thủ. Theo đó, mọi hành vi đi ngược với lợi ích quốc gia-dân tộc không chỉ bị nhân dân phản đối, mà cần phải kiên quyết xử lý.
Một bộ máy nhà nước lành mạnh là một tổ chức trong đó các quyết sách phải được thực thi một cách nghiêm minh, nhất quán từ trên xuống dưới mà không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất kỳ cá nhân nào trong xã hội. Luật pháp chính là những mắt xích giúp cho bộ máy nhà nước có thể hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả. Suy cho cùng, pháp luật cũng là để phục vụ người dân, đối với người dân pháp luật chính là lẽ phải, sự công bằng, là môi trường pháp lý bình đẳng giúp người dân yên tâm làm ăn, sinh sống.
Tinh thần thượng tôn pháp luật cùng với một hệ thống pháp luật hoàn thiện thống nhất sẽ là động cơ mạnh mẽ giúp bộ máy nhà nước vận hành trơn tru, thúc đẩy đất nước phát triển. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hệ thống pháp luật của Việt Nam là thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân Việt Nam. Vì vậy, việc tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật của mọi tổ chức, mọi công dân là vấn đề tất yếu. Đó cũng chính là cách để Nhà nước Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mọi công dân. Theo đó, xử lý những người vi phạm pháp luật cũng là lẽ bình thường, đâu phải là chuyện riêng của Việt Nam. Vì vậy, cần khẳng định rằng: Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” mà chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật, bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
LÊ LONG KHÁNH