14/1/21

TÌNH YÊU THƯƠNG ĐỒNG CHÍ, ĐỒNG ĐỘI - GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC SÁNG NGỜI TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Tình thương yêu con người nói chung và thương yêu đồng chí, đồng đội nói riêng là nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trải qua hơn 61 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) luôn phát huy truyền thống đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau theo tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


          Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội để hướng tới mục tiêu cuối cùng là giải phóng con người. Vì thế, vấn đề con người luôn được Bác quan tâm, chăm lo chu đáo. Trong các mối quan hệ của cuộc sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh quy tụ vào ba mối quan hệ chủ yếu nhất, đó là: Đối với người, đối với việc và đối với bản thân mình. Người luôn quan tâm, chăm lo và đề cao nội dung “đối với người”. Đây cũng là nội dung người luôn trăn trở, để rồi trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thắm đượm nghĩa tình Người đã dặn dò: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Từ ngàn đời xưa, cha ông ta đã từng căn dặn “ Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Nét đẹp đó ngày càng được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP hun đúc, giữ gìn và phát huy. Với đặc thù hoạt động tại khu vực biên giới, hải đảo gặp muôn vàn khó khăn, tình đồng chí, đồng đội lại càng gắn bó sâu đậm hơn bao giờ hết.

Tình đồng chí, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau được hình thành và rèn luyện ngay từ khi quân nhân bước chân vào quân ngũ, thường xuyên được được tôi luyện trong thực tiễn huấn luyện, lao động, học tập và công tác. Tình đồng chí thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau xuất phát từ tấm lòng nhân ái, bao dung của những con người cùngtắm nắng, gội sương”, “chia ngọt, sẻ bùi”.

Thực tiễn đã chứng minh, ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất và có sự quan tâm, sâu sát của cấp ủy, chỉ huy đơn vị thì tình thương yêu đồng chí sẽ thắm đượm và được nhân lên. Câu nói “Đồn là nhà, biên giới là quê hương” đã chứng minh sâu sắc cho vấn đề này. Nhớ lời Bác căn dặn: “Đối với chiến sĩ phải săn sóc họ, làm sao cho họ đủ ăn, đủ mặc, đủ súng, đủ thuốc..., thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong BĐBP luôn chăm lo xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, khơi gợi và vun đắp tình thương yêu, tạo sức mạnh tổng hợp để đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Là vấn đề bản lề, then chốt Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn về xây dựng tình đồng chí đồng đội thương yêu lẫn nhau, Bác cũng đã dẫn ra một nhận xét sâu sắcNếu thuộc bao nhiêu sách về chủ nghĩa Mác - Lênin mà sống với nhau không có tình, có nghĩa thì không thể hiểu được chủ nghĩa Mác - Lênin. Tuy nhiên, tình thương yêu đồng chí đồng đội phải gắn liền với đấu tranh tự phê bình và phê bình. Bác lại nhấn mạnh thang thuốc hay nhất là thang thuốc tự phê bình, phê bình đúng lúc, kịp thời nghĩa là yêu thương,  giúp đỡ đồng chí, đồng đội.

Thực tế đã chỉ rõ, sức mạnh đoàn kết được tạo ra bởi tình thương yêu đồng chí đồng đội giữa cán bộ, chiến sỹ trong các đơn vị. Song trước hết phải xuất phát từ mối quan hệ đoàn kết, thống nhất của cấp ủy, chỉ huy và cán bộ chủ trì các cấp. Trong một đơn vị, nếu cấp ủy, chỉ huy không tìm được tiếng nói chung thì chắc chắn đơn vị đó không có được bầu không khí thân thiện, ấm áp và nghĩa tình. Đây là điều đã được Bác Hồ cảnh báo từ sớm, Người gọi đó là tình trạng "cấp trên và cấp dưới cách biệt nhau", đồng chí với nhau nhưng "không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng". Nguy hại hơn, là tình trạng chia bè, kéo phái, làm giảm nhuệ khí chiến đấu, làm mất đi tình thương yêu giai cấp, bản chất tốt đẹp của quân đội ta.

Câu chuyện về Trung úy Nguyễn Đình Thông, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An nén nỗi đau cha mất, bám chốt làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 cùng đồng đội, đã được chỉ huy các cấp đến tận nơi động viên, thăm hỏi kịp thời. Đây là biểu hiện tuyệt vời của tình thương yêu đồng chí mà các đơn vị BĐBP đã và đang thực hiện. Đồng thời, đây cũng là nguồn động lực tinh thần, là sức mạnh nội sinh để mọi cán bộ, chiến sĩ BĐBP vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống và công việc, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh thiêng liêng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Ví dụ điển hình nhất được thực hiện theo tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh đó là phong trào “Nghĩa tình đồng đội nơi biên giới” của BĐBP. Từ phong trào do Bộ Tư lệnh phát động, đến nay toàn lực lượng đã vận động gần 100 tỷ đồng để xây dựng 1.373 ngôi nhà “mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”. Đã có trên 300 cặp vợ chồng được nhận hỗ trợ từ “quỹ hiếm muộn và bệnh hiểm ngèo” đến nay đã có 126 cặp vợ chồng có kết quả. Chương trình đã để lại ấn tượng tốt đẹp, niềm tin sâu sắc trong cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng. Song, quan trọng hơn cả, qua các hoạt động phong trào đã góp phần hun đúc, giữ gìn và phát huy truyền thống thương yêu đồng chí của quân đội, của BĐBP.

Hiện nay cùng với sự trưởng thành, lớn mạnh của quân đội và lực lượng BĐBP, phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống quý báu đậm tính nhân văn, nhân ái, của những người chiến sỹ quân hàm xanh vẫn luôn tỏa sáng. Tuy nhiên trước điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và sự chống phá của các thế lực thù địch thì vấn đề đặt lên hàng đầu là tập trung xây dựng BĐBP vững mạnh về chính trị, trong đó có nội dung nâng cao tinh thần thương yêu đồng chí, đồng đội cho cán bộ, chiến sĩ trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh.

Để thực hiện tốt các yêu cầu đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong BĐBP cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho quân nhân; nắm vững và thực hiện tốt các nội dung dung giáo dục cơ bản, kết hợp giáo dục truyền thống, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái cho bộ đội. Đồng thời, tích cực đấu tranh với những biểu hiện gây chia rẽ đoàn kết nội bộ trong đơn vị. Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ cần phải tiếp tục quán triệt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vận dụng hệ thống quan điểm, lý luận, tư tưởng của Người nhất là vấn đề thương yêu đồng chí, đồng đội vào trong công tác, học tập, rèn luyện và đời sống hàng ngày ở đơn vị./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” - 90 năm nhìn lại

Lịch sử vẻ vang của Đảng 90 năm qua là lịch sử chiến đấu, hy sinh, thế hệ tiếp nối thế hệ của những người Cộng sản Viê...