Thời gian
qua, công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đã đạt được những thành tựu to
lớn. Biên giới được giữ vững, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo,
tạo môi trường và không gian hợp tác, phát triển với các nước láng giềng và bạn
bè quốc tế. Tuy nhiên, các thế lực thù địch lại lợi dụng internet và mạng xã
hội để ra sức xuyên tạc, chống phá về vấn đề biên giới, biển đảo và quan điểm,
đường lối của Đảng ta về vấn đề này.
Nguy hiểm hơn, các thế lực bên ngoài chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí hoạt
động; các đối tượng trong nước tích cực tập hợp lực lượng, thu thập tin tức để
cung cấp cho bên ngoài tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc về tình hình Biển
Đông và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Lợi dụng vấn đề chủ quyền biển, đảo, các đối tượng chống phá thông qua
các tài khoản mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc chống phá từ bên
ngoài, tạo dựng lực lượng chống đối từ bên trong theo kiểu “nội công, ngoại
kích” hòng gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực
hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với nước ta.
Về lý luận và thực tiễn cho thấy: Biển, đảo Việt Nam là bộ phận lãnh
thổ thiêng liêng của Tổ quốc, cấu thành chủ quyền quốc gia, cửa ngõ giao lưu
quốc tế, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và
bảo vệ đất nước. Bảo vệ biển, đảo chính là bảo vệ một phần máu thịt thiêng
liêng, giữ vững chủ quyền biển, đảo sẽ góp phần giữ vững chủ quyền của đất
nước. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam là điều kiện, nội dung
giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa
bình, ổn định và phát triển bền vững.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu
tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển,
đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Đây là quan điểm, chủ trương thể hiện định hướng chiến lược để toàn
Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ
quốc phòng, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo của Tổ quốc. Chúng ta xác định,
giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lâu dài, do đó cần kiên trì hợp
tác tìm kiếm biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, bảo vệ lợi ích chính
đáng của Việt Nam, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của các nước trên cơ
sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thực tế cho thấy, mỗi khi chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia của
Việt Nam trên Biển Đông bị xâm phạm, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn thể hiện
tinh thần đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng các biện pháp hòa bình, đó là
thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ trong các lĩnh vực chính trị, ngoại
giao...
Điều này đã được nêu rõ trong các nghị quyết của Đảng và được chứng
minh qua việc giải quyết vấn đề Biển Đông của Việt Nam, với tinh thần thượng
tôn pháp luật, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế
và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); kiềm chế, không sử
dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố
ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển
Đông (COC).
Việt Nam chúng ta thực hiện đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp
phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Do đó, cần nhận diện,
đấu tranh với những chiêu trò suy diễn, phê phán đường lối bảo vệ độc lập, chủ
quyền của Tổ quốc.
Nhận diện rõ âm mưu của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị hòng lợi
dụng vấn đề biên giới, biển đảo để chống phá là vấn đề then chốt trong công
cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng
nhân dân cần tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà
nước và những đóng góp to lớn của quân và dân đang ngày đêm vươn khơi bám biển.
Thúy Ngọc - KCB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét