14/9/22

Xây dựng văn hóa mạng, chìa khóa quan trọng góp phần nâng cao năng lực ngăn chặn chiến lược diễn biến hòa bình

Sức mạnh truyền thông đã được khẳng định, những làn sóng tư tưởng trên mạng xã hội có sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến thái độ, cảm xúc, suy nghĩ và hành động của người tham gia. Lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch không ngừng sử dụng mạng Internet làm công cụ chống phá, xuyên tạc, phủ nhận công cuộc đổi mới của đất nước, làm công cụ chống phá Đảng và nhà nước.


Không gian mạng là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Có thể coi đó là một “môi trường xã hội” đặc biệt, trong đó người sử dụng có điều kiện giao tiếp trao đổi về kiến thức, giao lưu về văn hóa, thể hiện trình độ tri thức, văn hóa ứng xử và thái độ sống. Môi trường văn hóa mạng lành mạnh được hình thành trên cơ sở người tham gia tôn trọng lẫn nhau, tạo được bầu không khí trao đổi vui vẻ bổ ích, qua đó thắt chặt tình đoàn kết, lan tỏa tình yêu thương, niềm tự hào dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

Dưới sự hỗ trợ của trang bị kỹ thuật, các thông tin trên mạng được truyền tải một cách sinh động, có sức lan tỏa sâu rộng. Nếu trong giao tiếp hàng ngày, thông tin được truyền tải và thể hiện qua lời nói, ngữ điệu, cử chỉ, nét mặt thì ngôn ngữ giao tiếp trên mạng được thể hiện một cách đa dạng, là sự kết hợp của chữ viết, hình ảnh, âm thanh với các hiệu ứng đặc biệt, tác động mạnh mẽ tới tâm lý người xem, lôi cuốn người xem đồng điệu với cảm xúc, suy nghĩ, lập luận của người đưa tin. Nếu trong giao tiếp thông thường, người nói cảm nhận được ngay phản ứng, thái độ của người nghe để từ đó tiết chế, điều chỉnh cách thức biểu hiện cho phù hợp thì trên mạng xã hội, người nói dễ bị cuốn theo cảm xúc của cá nhân và hiệu ứng của đám đông, đẩy sự việc vượt qua giới hạn, thông tin dễ dàng bị dẫn dắt xa dời sự thật vốn có. Nếu trong giao tiếp thông thường, lời nói, cử chỉ, hành động được đặt trong giới hạn của chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục thì trên mạng xã hội phương thức biểu hiện giao tiếp được cuốn theo trào lưu với các hình ảnh động thể hiện cảm xúc thay vì lời nói, tiếng lóng, ký hiệu thậm chí là những lời nói thiếu chuẩn mực, khiêu khích. Lợi dụng những mặt hạn chế đó trong giao tiếp trên mạng xã hội, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, các thế lực thù địch đã sử dụng các thủ đoạn tác động vào tâm lý người xem, tạo hiệu ứng số đông nhằm kích động, reo rắc những luận điệu xuyên tạc hòng chia rẽ mối đoàn kết toàn dân tộc. Biểu hiện rõ ràng nhất là sự truyền bá những thông tin sai sự thật, gây nhiễu loạn thông tin chính thống, làm suy giảm lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước với các thủ đoạn sau:

Thứ nhất, Phá hoại khối đại đoàn kết và truyền thống văn hóa tốt đẹp bao đời của dân tộc. Thủ đoạn chủ yếu là truyền bá những văn hóa phẩm không lành mạnh, đầu độc tư tưởng của người xem, nhất là giới trẻ. Kích động người xem tham gia những trào lưu xấu, đẩy cái tôi lên cao, phát ngôn theo cảm hứng và theo xu thế, coi nhẹ tình làng nghĩa xóm, tình cảm bạn bè, đồng chí, đồng đội đồng thời phủ nhận những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc. 

Thứ hai, Phá hoại niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự công tâm của các cơ quan hành pháp và pháp luật.

Thủ đoạn của chúng là tạo sự thu hút của cộng đồng mạng trong và ngoài nước bằng cách đăng tin bài, phát video trực tiếp (live stream) nhằm vào những sự kiện, sự việc đang được nhiều người quan tâm hoặc hoài nghi. Thủ đoạn ban đầu là nhân danh chính nghĩa, phân tích vấn đề với luận điệu đứng về phía người dân, tạo sự đồng cảm, chia sẻ, bình luận của đông đảo người xem. Khi đã xây dựng được vỏ bọc, tạo sự tin tưởng, chúng chĩa mũi nhọn vào những vấn đề tiêu cực đã được nhà nước xử lý, thổi phồng sự việc, bóp méo sự thật, xuyên tạc, vu khống gây kích động tư tưởng của người xem. Nếu không tỉnh táo, và có kỹ năng giao tiếp mạng phù hợp, người tham gia dễ dàng bị dẫn dắt từng bước.  Mỗi hành động như xem, theo dõi, bình luận, chia sẻ, tranh luận, đều vô tình làm cho thông tin lan tỏa một cách nhanh chóng theo đúng chủ đích của những kẻ tung tin.

Bên cạnh đó, chúng sử dụng hình ảnh của cán bộ, những người có uy tín, bộ đội, công an và cả những hình ảnh sau khi qua chỉnh sửa để tạo niềm tin, tăng sự thuyết phục đối với người xem. Các hình ảnh được biên tập thành clip với những câu chuyện và những nhân vật giả mạo được xây dựng như là nhân chứng sống nhằm bôi nhọ, gây mất lòng tin của nhân dân. Các hình ảnh được sử dụng để tạo các tài khoản, Website giả mạo để đưa ra các phát ngôn làm mất uy tín của cơ quan công quyền hoặc chia sẻ các thông tin phản động.

Thứ ba, Gây nhiễu loạn thông tin, làm phức tạp về chính trị xã hội. Thủ đoạn của chúng là đưa các tin bài với tiêu đề “Sự thật lịch sử…”, “Sự thật đằng sau…”, “tài liệu chứng minh ….”, đánh trực tiếp vào tâm lý tò mò, muốn tìm hiểu sự thật của người xem. Kết hợp với các giải pháp kỹ thuật, thông tin được đăng tải và lan truyền mạnh mẽ trên các trang web, trang mạng xã hội Facebook, YouTube, các diễn đàn nhằm tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm, cương lĩnh, nền tảng tư tưởng của Đảng, trọng tâm hướng tới những vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”. Từ đó kích động, kêu gọi các hoạt động biểu tình trái phép gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền, chia rẽ khối đoàn kết giữa Đảng và nhân dân.

Vì vậy, cần thiết phải xây dựng môi trường văn hóa mạng lành mạnh, đủ sức đấu tranh phản bác, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội. Để làm được điều đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, Tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ nhân dân về âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng, từ đó xây dựng cho người dân bản lĩnh chính trị vững vàng đủ “sức đề kháng” chống lại các thông tin xấu, độc. Thực hiện đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến trên mạng cho người dân như: tuyên truyền qua các trang mạng chính thống; tạo các diễn đàn để mọi người dân có thể trao đổi, giao lưu và tiếp nhận những thông tin chính xác. Mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tuyên truyền cho gia đình, quần chúng nhân dân nơi mình cư trú nhận diện, tuyệt đối không tham gia vào tương tác với những thông tin xấu, độc, bôi nhọ tổ chức, cá nhân.

Hai là, đưa luật An ninh mạng đến với người dân để người dân hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung của luật An ninh mạng, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Đồng thời tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật trên mạng dưới nhiều hình thức: Thi trắc nghiệm; vẽ tranh; tạo video clip…. Qua đó người dân hiểu rõ và nêu cao tinh thần cảnh giác để không vô tình vi phạm luật An ninh mạng. Tuyệt đối không chia sẻ các tin, bài khi chưa nghiên cứu kỹ nội dung, chưa xem xét nó trong sự tác động đến các mặt của đời sống xã hội; Không đánh giá nhận xét, bình phẩm mang tính chủ quan trên trang cá nhân tránh bị kẻ xấu sử dụng bình luận đó để phân tích theo góc nhìn khác; Không hiếu kỳ vào xem, chia sẻ hay tham gia bình luận (ngay cả bình luận mang tính phản đối) các nội dung mang tính kích động nhằm vào tổ chức, cá nhântránh vô tình là nhân tố làm cho các chủ đề đó lan rộng hoặc dẫn đến vi phạm luật An ninh mạng.

Ba là, cán bộ, Đảng viên phải nêu gương trong lời nói, ứng xử, hành động. Mỗi cán bộ, Đảng viên phải có lập trường, tư tưởng vững vàng, phải là người tiên phong, nói lên tiếng nói của mình trong cuộc đấu tranh chống các luận điệu hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tích cực chia sẻ thông tin lành mạnh, bổ ích để mạng xã hội trở thành một kênh hữu ích, mở mang kiến thức, từ đó xây dựng môi trường văn hóa mạng lành mạnh, tránh bị các thông tin ảo chi phối tác động, tạo sức đề kháng phòng chống và ngăn chặn những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch một cách có hiệu quả.Tích cực lan tỏa những thông tin chính thống, chất lượng, chuẩn mực nhằm truyền tải những hình ảnh đẹp, góp phần củng cố niềm tin vào một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh từ đó tạo khả năng “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc.

Bốn là, mỗi người dân tham gia mạng xã hội cần nắm vững các quy tắc đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng, sử dụngthông tin, hình ảnh cá nhân lồng ghép nội dung với mục đích bôi nhọ. Trước hết cần nắm vững các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn thông tin trên các thiết bị kết nối mạng như: Không lưu trữ hay đăng tải các thông tin mật; Tạo thói quen quét virus định kỳ; Thực hiện sao lưu dữ liệu quan trọng; Đặt mật cho tài khoản cá nhân đảm bảo an toàn, định kỳ thay đổi mật khẩu; Không nhấn vào các đường link lạ, file đính kèm không rõ nội dung hoặc gửi đến từ tài khoản lạ; Không cho người khác sử dụng thiết bị cá nhân có chứa nhiều thông tin quan trọng. Đồng thời biết thực hiện những giải pháp kỹ thuật cần thiết để ẩn hoặc chặn không cho những nội dung xấu có cơ hội xuất hiện trên trang cá nhân của mình.

Xây dựng môi trường văn hóa mạng lành mạnh góp phần nâng cao năng lực chống lại và hạn chế việc lan truyền các thông tin xấu, độc đồng thời xây dựng xây dựng một không gian mạng an toàn, lành mạnh, góp phần không nhỏ vào ổn định chính trị, xã hội của đất nước.

Hoàng Thị Mỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” - 90 năm nhìn lại

Lịch sử vẻ vang của Đảng 90 năm qua là lịch sử chiến đấu, hy sinh, thế hệ tiếp nối thế hệ của những người Cộng sản Viê...