Với hàng trăm bài viết xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta, cái tên Đỗ Ngà đã không còn xa lạ với cộng đồng mạng xã hội. Mới đây, Đỗ Ngà tiếp tục đăng tải bài viết “Ngu dân hóa và những thủ đoạn bẩn thỉu đằng sau nó”, thể hiện những luận điệu xuyên tạc mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đỗ Ngà đã suy diễn, quy chụp rằng, “Đảng Cộng sản muốn lợi dụng dân tộc này phục vụ cho lợi ích của nó chứ nó không hề có thật lòng phục vụ dân tộc”. Đây là luận điệu ác ý và hoàn toàn là sai trái. Bởi sự thật, ngay từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là người đại diện xứng đáng và đấu tranh cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc. Trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, thông qua Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930), Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (02/1951), Người khẳng định: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Nhất quán với quan điểm này, năm 1961, khi miền Bắc tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, Người tiếp tục chỉ rõ: “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã chỉ rõ: “Khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng, chúng ta không tách rời Đảng và giai cấp với các tầng lớp nhân dân lao động khác, với toàn thể dân tộc. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã mang trong mình tính thống nhất giữa yếu tố giai cấp và yếu tố dân tộc. Chính lập trường và lợi ích giai cấp công nhân đòi hỏi trước hết phải giải phóng dân tộc. Đảng tìm thấy nguồn sức mạnh không chỉ ở giai cấp công nhân mà còn ở các tầng lớp nhân dân lao động, ở cả dân tộc”. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích phụng sự giai cấp, phụng sự nhân dân, phụng sự dân tộc. Đảng ta ra đời, tồn tại, phát triển không chỉ vì lợi ích của giai cấp công nhân, mà còn vì lợi ích của nhân dân lao động và toàn dân tộc. Trong quá trình xây dựng, phát triển, dù tên gọi có thay đổi, nhưng bản chất của Đảng luôn mang bản chất giai cấp công nhân, là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng uy tín của Đảng để trục lợi, đi ngược lại lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, dân tộc đều bị xử lý nghiêm minh, “không có vùng cấm”. Vì thế, trong những năm qua, nhiều cán bộ cấp cao, tổ chức đảng vi phạm, trong đó có cả các trường hợp là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng đã bị xử lý kỷ luật; làm nghiêm từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài… Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng Việt Nam, những người là Ủy viên Bộ Chính trị vi phạm pháp luật đã bị cơ quan tiến hành tố tụng truy tố và đưa ra xét xử công khai, nghiêm minh. Đây là việc chưa từng có trước đây. Sự thật lịch sử này đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu xuyên tạc của Đỗ Ngà khi cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có “trục lợi dân”.
Thiết nghĩ, dẫu thiện chí hay không, cũng không ai có thể bác bỏ được sự thật, ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam không còn lợi ích nào khác. Hình ảnh Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khắc ghi sâu đậm trong lòng nhân dân Việt Nam và lan toả trong lòng bạn bè thế giới là minh chứng sinh động bác bỏ hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc của Đỗ Ngà và các thế lực thù địch./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét