3/10/22

Đấu tranh chống “chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại” hiện nay

Hiện nay, trên nhiều diễn đàn, hội nhóm đã xuất hiện  “Chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại” dưới dạng những quan điểm, tư tưởng rời rạc hoặc ở một vài cá nhân riêng lẻ. Mặc dù mới xuất hiện, song điều này rất độc hại, đòi hỏi mỗi tổ chức đảng, cán bộ và đảng viên phải kiên quyết đấu tranh.


Chủ nghĩa giáo điều là những quan điểm, tư tưởng luôn đề cao vấn đề lý luận, tuyệt đối hoá những luận điểm đưa ra và coi những luận điểm đó là chân lý, bất di, bất dịch, mà biểu hiện cụ thể là tư tưởng bảo thủ, rập khuôn, máy móc... Sự khủng hoảng kinh tế của đất nước trong những năm đầu của thập niên 80 ở thế kỷ XX, cũng như sự sụp đổ hệ thống các nước chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu, Liên Xô là “hồi chuông” cảnh báo tác hại vô cùng nặng nề của chủ nghĩa giáo điều, tư tưởng bảo thủ đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tác hại của chủ nghĩa giáo điều có thể khó thấy ngay một lúc, song lại rất sâu và tác động lâu dài. Trên thực tế, chủ nghĩa giáo điều đã được nuôi dưỡng quá lâu; tư tưởng rập khuôn, máy móc đã ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức của nhiều người.

Yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, cũng như xu thế hội nhập và những đặc điểm của thời đại cách mạng khoa học công nghệ hiện đại… đã và đang đặt cách mạng Việt Nam trước nhiều vấn đề mới mẻ và phức tạp, cần phải nghiên cứu, giải quyết cả phương diện lý luận và thực tiễn; trong khi đó, trình độ hiểu biết và năng lực thực tiễn của chúng ta nếu chuyển biến không kịp thì sự bất cập và bất lực trước cái mới lại có thể kéo chúng ta quay về cái cũ, đó là bảo thủ, giáo điều, rập khuôn, máy móc. Nếu không kiên quyết đấu tranh, loại bỏ chủ nghĩa giáo điều, chúng ta không thể phát triển sáng tạo được chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và không giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, hậu quả đem đến là không thể lường trước được.

Mặc khác, chủ nghĩa xét lại là những tư tưởng, quan điểm trực tiếp hoặc gián tiếp phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và định hướng xã hội chủ nghĩa; sùng bái nền dân chủ tư sản, thổi phồng những thành tựu của chủ nghĩa tư bản và chủ trương đi theo con đường chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xét lại đang là một nguy cơ rất lớn không thể xem thường đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, là mặt trái tác động không nhỏ đối với việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thực tiễn lịch sử cho thấy: nếu không bị chủ nghĩa xét lại “đục rỗng” từ bên trong công cuộc “cải tổ” thì chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô không bị sụp đổ. Trước sự khủng hoảng của hệ thống chủ nghĩa xã hội hiện thực; sự điều chỉnh, thích nghi và có bước phát triển của chủ nghĩa tư bản trong giới hạn chưa bị diệt vong của nó, cũng như sự dao động về chính trị tư tưởng, sự thoái hoá biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên… là điều kiện thuận lợi và cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa xét lại tồn tại và phát triển. Chủ nghĩa xét lại được các thế lực thù địch, phản động khuyến khích, tung hô, tán thưởng và được xem là công cụ đắc lực trong xoá bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, mà cái đích cuối cùng là xoá bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại có quan hệ cộng sinh với nhau. Nếu chủ nghĩa giáo điều bám vào những lệch lạc, hữu khuynh thì chủ nghĩa xét lại sống bám vào những lệch lạc, giáo điều. Chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa giáo điều là hai dạng thức tồn tại trái ngược nhau, nương tựa vào nhau và đều là những tư tưởng, quan điểm đối lập, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, là trở lực đối với sự nghiệp cách mạng, cũng như đối với nhiệm vụ bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa giáo điều cần tiến hành đồng bộ, là biện pháp quan trọng, góp phần kế thừa và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Qua nghiên cứu cho thấy, hiện nay, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại đang tập trung tấn công, chống phá vào một số nội dung cơ bản sau:

Một là, phê phán, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Đối với chủ nghĩa Mác-Lênin, chúng tăng cường tán phát các tài liệu phản động, như: Nhà khoa học chân chính nói không với Marx, “Mô hình Karl Marx… nhằm xuyên tạc, phủ nhận những giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với sự tiến bộ, phát triển của nhân loại và đối với cách mạng Việt Nam”. Với tư duy siêu hình, lập luận thiếu cơ sở khoa học và thái độ thù hận, chúng cho rằng: “chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời”, từ đó kêu gọi Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới “từ bỏ học thuyết của Mác”. Đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng tán phát rất nhiều tài liệu phản động để chống phá một cách tinh vi và xảo quyệt hơn. Một mặt, chúng ca ngợi, “tuyệt đối hoá vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh, tách tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chủ nghĩa Mác-Lênin”, từng bước đòi từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin.

Hai là, xuyên tạc, phê phán, chỉ trích, chống phá đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phê phán các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập... Chúng giả danh những người cộng sản chân chính, chỉ ra những khuyết điểm đã được Đảng tự nhận, tự phê bình trong quá khứ, “tâm huyết” đóng góp, hướng lái đường lối, quan điểm lãnh đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước theo con đường tư bản chủ nghĩa, từng bước xa rời mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Ba là, bới móc, thổi phồng, bôi đen những sai lầm, khuyết điểm của Đảng, Nhà nước trong quá trình lão đạo, chỉ đạo và điều hành đất nước; xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối; hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Từ âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các đối tượng về chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần nhận diện đúng đắn. Tuyệt đối tin tưởng vào con đường lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta. Kiên quyết đấu tranh, phản bác các luận điệu trên trong các diễn đàn, hội nghị và cả trong đời sống. Góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới.

Hoàng Long-BKT

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” - 90 năm nhìn lại

Lịch sử vẻ vang của Đảng 90 năm qua là lịch sử chiến đấu, hy sinh, thế hệ tiếp nối thế hệ của những người Cộng sản Viê...