2/2/23

Học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm vấn đề đoàn kết tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Theo Người, đoàn kết tôn giáo gồm đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không có tín ngưỡng tôn giáo; đoàn kết giữa đồng bào theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; và đoàn kết giữa đồng bào trong cùng tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệpcách mạng…


Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân ta đã chỉ rõ thực dân, đế quốc thường lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng. Chúng không chỉ có những âm mưu, thủ đoạn để chia rẽ nhân dân các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, đồng bào kinh với đồng bào dân tộc, mà còn triệt để thực hiện chính sách chia rẽ đồng bào có tôn giáo với đồng bào không tôn giáo, giữa đồng bào các tôn giáo khác nhau, thậm chí gây chia rẽ đồng bào ngay trong nội bộ một tôn giáo. Vì thế, theo Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo là tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, giải phóng con người thoát khỏi nô dịch, áp bức, bất công, đưa cả nước đi lên CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

Chính vì vậy, ngay sau khi nước nhà độc lập, trong Phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương Giáo đoàn kết”(1).

Người kêu gọi toàn dân, lương và giáo xóa bỏ mặc cảm, thực hiện tư tưởng: đoàn kết lương giáo, chủ trương “Lương giáo đoàn kết để kháng chiến kiến quốc thắng lợi”. Trong “Thư gửi Hội Phật tử Việt Nam”(8-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến lợi ích thiết thực của giáo dân cả phần đời và phần đạo. Theo Người, nước độc lập mà dân không được ấm no hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì. Đồng bào các tôn giáo theo cách mạng mà Đảng, Nhà nước không quan tâm đến lợi ích thiết thân của đồng bào để “phần xác ấm no, phần hồn thong dong” thì không thể đoàn kết được. “Nếu giáo dục tốt thì giáo dân có thể đấu tranh... sống theo Đảng, chết theo Chúa.... Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì không sợ gì cả...”(3). Từ đó, Người đặc biệt quan tâm đến mọi mặt đời sống sản xuất, ăn ở, học hành của đồng bào tôn giáo; nhắc nhở cán bộ chú ý phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của giáo dân; gửi thư thăm hỏi, động viên, tặng quà... Với những người lầm đường lạc lối, Người kiên trì thuyết phục, cảm hoá với thái độ khoan dung độ lượng, lời lẽ chân tình, bởi họ đều là “ruột thịt”, “con Lạc, cháu Hồng”, đều có lòng yêu nước nhưng do mắc mưu kẻ địch nên chưa nhận ra lẽ phải. Vì thế, Người luôn “mong những đồng bào đó mau mau giác ngộ và quay về với kháng chiến để phụng sự Chúa, phụng sự Tổ quốc”. Chính phủ luôn “hoan nghênh rộng rãi như những người con đi lạc mới về”(4). Tấm gương ứng xử của Người đối với đồng bào các tôn giáo đã cảm hoá được đa số chức sắc, tín đồ các tôn giáo theo Đảng làm cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, lợi dụng tôn giáo để chống lại cách mạng luôn là thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm kích động mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết lương-giáo, phá hoại đoàn kết dân tộc. Chúng tuyên truyền: “Cộng sản là vô thần sẽ tiêu diệt tôn giáo”, “thà mất nước còn hơn mất Chúa”… Và thực tế, một bộ phận giáo dân đã mắc mưu, tin theo luận điệu thâm độc đó.

Ngay từ năm 1924, Người đã lên án mạnh mẽ và tố cáo những giáo sỹ Pháp làm gián điệp, bắn giết đồng bào ta. “Chính những tên giáo sĩ đã vẽ bản đồ An Nam cho quân xâm lược. Chính bọn họ đã đưa tin cho gián điệp dẫn đường cho đội viễn chinh và tố giác những người yêu nước”(5)Trong thời kỳ thực dân xâm lược, Người chỉ rõ: Thực dân Pháp là bọn đốt nhà thờ, hiếp bà phước, giết tín đồ chức sắc, giết dân ngoại đạo... “Thực dân là lũ Sa Tăng/ Phản Chúa, phá đạo là thằng thực dân”(6). Người luôn phân định rạch ròi tôn giáo với việc lợi dụng tôn giáo để làm điều xấu. Người coi những phần tử đội lốt tôn giáo để chống phá cách là “Việt gian đồng thời cũng là giáo gian”, là những kẻ bất chính, giả danh tín đồ để làm điều xấu độc. Người kêu gọi: “đồng bào cảnh giác và chớ mắc mưu những kẻ tuyên truyền lừa bịp”, “Bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhưng cương quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo để phản Chúa, phản nước”(7).

Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch đã lợi dụng nhiều thủ đoạn nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng lợi dụng con đường công khai, hợp pháp để triển khai các hoạt động xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc; chúng tìm mọi thủ đoạn hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi thể chế chính trị của đất nước... trong đó, có chiêu bài lợi dụng vấn đề tôn giáo, đội lốt tôn giáo để thực hiện mưu đồ chống phá.

Theo đó, chúng thường lợi dụng các vấn đề như: đức tin và sự gắn kết cộng đồng tôn giáo để lôi kéo, tập hợp lực lượng chống đối; khoét sâu những mâu thuẫn, vấn đề nảy sinh về tôn giáo để chống phá; lợi dụng những sơ hở, bất cập, yếu kém trong thực hiện công tác tôn giáo và các vấn đề nhạy cảm được dư luận quan tâm để thổi phồng, xuyên tạc “đặt điều dựng chuyện”; lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các hiện tượng tôn giáo mới, mạng xã hội để công kích, vu khống…

Cụ thể hơn, có thể nhận diện các hoạt động của chúng ở nước ngoài gồm:

Thứ nhất, thu thập thông tin từ những đối tượng phản động, chống đối trong các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trái pháp luật, không được Nhà nước công nhận để xuyên tạc tình hình tôn giáo, quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Trên cơ sở đó, chúng ban hành các đạo luật, báo cáo, kiến nghị... vu cáo, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, kích động các thế lực thù địch ở trong nước đẩy mạnh các hoạt động chống phá. 

Thứ hai, tổ chức các hoạt động chỉ đạo, hỗ trợ các đối tượng phản động, chống đối ở trong nước tiến hành các hoạt động chống phá. Các tổ chức phản động, lưu vong người Việt ở nước ngoài và các tổ chức chống đối trong các tôn giáo ở hải ngoại trực tiếp thực hiện các âm mưu, thủ đoạn với nhiều hoạt động như: tổ chức các diễn đàn nhằm xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi phạm tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, kêu gọi “quốc tế” can thiệp; đẩy mạnh xuyên tạc, chống phá trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng xã hội; tổ chức các hội luận, tập huấn, huấn luyện các hoạt động tuyên truyền, biểu tình, gây rối...; trực tiếp móc nối, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho các thế lực thù địch trong nước.

Các thế lực thù địch, phản động ở trong nước thường tập trung vào những khía cạnh: Một là, thường xuyên liên kết, câu kết chặt chẽ với nhau (Hội đồng liên tôn, Bàn tròn đa tôn giáo...) và tiếp nhận, thực hiện sự chỉ đạo, hỗ trợ của các thế lực thù địch ở nước ngoài. Hai là, đẩy mạnh các hoạt động soạn thảo, tán phát tài liệu kích động chống phá, cung cấp cho các thế lực thù địch ở nước ngoài những nội dung sai sự thật, thổi phồng sự kiện. Ba là, lợi dụng các ngày lễ của tôn giáo, các sự kiện nhạy cảm để kích động, lôi kéo tín đồ tập trung đông người, gây rối, biểu tình, gây mất an ninh trật tự. Bốn là, lợi dụng các “hiện tượng tôn giáo mới” để trục lợi, làm lệch chuẩn đạo đức, văn hóa xã hội, gây hoang mang dư luận và mất ổn định chính trị - xã hội.

Một sự thật hiển nhiên là, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tôn giáo không phải vì lợi ích của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ, cũng không vì “tự do tôn giáo” như chúng thường rêu rao, mà là nhằm thực hiện mưu đồ chính trị phản động hòng phá hoại sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Đây là điều đi ngược lại lợi ích chân chính của đồng bào có tín ngưỡng, theo tôn giáo, của các chức sắc, tín đồ tôn giáo mong muốn có cuộc sống “tốt đời đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc”, thực sự hạnh phúc trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, được tiến hành bằng hệ thống các giải pháp đồng bộ vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, ngăn chặn với xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Trước mắt, cần thực hiện tốt các định hướng chủ yếu: tuyên truyền, giáo dục; xác định nội dung, hình thức, biện pháp; tổ chức thực hiện; điều kiện bảo đảm. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn xã hội; phát huy sức mạnh tổng hợp, tổ chức thực hiện “thích ứng” với từng giai đoạn, hoàn cảnh; có cơ chế, chính sách phù hợp.../.

 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.9.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.197.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.141-142.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.249.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.442.

(6) Viện Nghiên cứu Tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1998, tr.255.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995,tr.604

Đặng Thành Nam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” - 90 năm nhìn lại

Lịch sử vẻ vang của Đảng 90 năm qua là lịch sử chiến đấu, hy sinh, thế hệ tiếp nối thế hệ của những người Cộng sản Viê...