Kinh tế tri thức
là nền kinh tế trong đó sự sản xuất ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò
quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải vật chất dồi dào nâng
cao chất lượng cuộc sống. Phát triển kinh tế tri thức và xây dựng nền quốc
phòng - an ninh, xây dựng quân đội là hai hoạt động khác nhau, song chúng lại
có mối quan hệ hữu cơ tác động qua lại lẫn nhau. Sự tác động của phát triển
kinh tế tri thức đến sự nghiệp quốc phòng - an ninh và xây dựng quân đội ta
diễn ra nhiều chiều đan xen cả tích cực lẫn tiêu cực.
Kinh tế tri thức là vấn đề mới mẻ, việc nghiên cứu tìm hiểu sâu sắc vấn đề này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn góp phần củng cố nhận thức và giải đáp những vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay. Nghiên cứu kinh tế tri thức ta thấy có những đặc trưng riêng của nó:
Trước hết, thông
tin tri thức khoa học công nghệ là nhân tố chủ yếu tạo ra giá trị kinh tế, cơ
cấu nền kinh tế đã được chuyển dịch từ nền sản xuất vật chất là chủ yếu sang
lĩnh vực hoạt động sáng tạo tri thức, công nghệ và xử lý thông tin, tạo ra
nhiều việc làm mới và nâng cao chất lượng cuộc sống con người.
Thứ hai, thông
tin tri thức khoa học công nghệ biến đổi với tốc độ rất cao, xu thế toàn cầu
hoá, nhất thể hoá nền kinh tế quốc gia và khu vực tăng nhanh với tính hai mặt:
cạnh tranh khốc liệt và hợp tác hiệu quả.
Thứ ba, kinh tế
tri thức tạo ra một xã hội thông tin rộng khắp đa chiều, phương thức quản lý có
sự thay đổi căn bản, xuất hiện nhiều mô hình quản lý linh hoạt, dễ thích ứng
với cái mới, khơi dậy sự năng động sáng tạo của con người. Kinh tế tri thức hình
thành một xã hội học tập, học tập thường xuyên học tập suốt đời. Đầu tư cho
giáo dục và khoa học chiếm tỷ lệ rất cao và nhân tố quan trọng hàng đầu trong
xã hội là phát triển nguồn lực con người có tri thức sâu rộng.
Phát triển kinh
tế tri thức đối với Việt Nam vừa là vấn đề tất yếu khách quan vừa là vấn đề bức
thiết nhằm phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng
quân đội ngày càng hiện đại phù hợp với xu thế vận động chung của khu vực và thế
giới. Phát triển kinh tế tri thức tạo ra cơ hội to lớn để khắc phục nguy cơ tụt
hậu ngày càng xa hơn về kinh tế, rút ngắn khoảng cách quá trình công nghiệp
hoá, hiện đại hoá ở nước ta hiện nay. Phát triển kinh tế tri thức là yêu cầu
xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có
hiệu quả. Phát triển kinh tế tri thức góp phần tích cực vào sự nghiệp củng cố
quốc phòng nhằm “xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng,
chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có một số quân chủng, binh chủng, lực
lượng tiến thẳng lên hiện đại”[1]
Trong giai đoạn
cách mạng mới, kinh tế tri thức có quan hệ chặt chẽ với củng cố quốc phòng - an
ninh. Phát triển kinh tế tri thức và xây dựng quốc phòng - an ninh, xây dựng
quân đội là hai lĩnh vực hoạt động khác nhau nhưng chúng ta lại có mối quan hệ
hữu cơ tác động qua lại lẫn nhau. Quốc phòng - an ninh và quân đội phụ thuộc
vào trình độ phát triển kinh tế tri thức, nhưng lại có vai trò to lớn đối với
quá trình xây dựng và phát triển kinh tế tri thức, giữ vững ổn định để phát
triển kinh tế, bảo vệ các thành quả kinh tế tri thức. Đồng thời quốc phòng - an
ninh và quân đội cũng ứng dụng rất lớn sản phẩm khoa học do nền kinh tế tri
thức phát triển.
Hiện nay, kinh
tế tri thức có tác động rất lớn đến quốc phòng an ninh và xây dựng quân đội.
Kinh tế tri thức cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho quốc phòng - an
ninh và quân đội, đồng thời có tác động đến xây dựng và phát triển khoa học kỹ
thuật quân sự đáp ứng yêu cầu chiến tranh công nghệ cao và tác động tích cực
đến xây dựng nền công nghiệp quốc phòng.
Tuy nhiên, kinh
tế tri thức cũng làm tăng thêm khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, làm
gia tăng thêm chênh lệch thu nhập và mức sống của các giai tầng trong xã hội, làm
ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh.Với sự phát triển cao của khoa học công nghệ,
đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học đã làm gia tăng sự mất ổn
định về an ninh, đặt quân đội trước nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Các
thế lực thù địch cũng sẽ lợi dụng kinh tế trí thức để can dự, xâm nhập, khống
chế các nước khác đặc biệt là các nước chậm phát triển.
Trong thời gian
tới, để phát triển kinh tế tri thức nhằm củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng
quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới cần thực hiện tốt một số
vấn đề sau:
Một là, cần thống nhất nhận thức trong toàn xã
hội về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế tri thức với củng cố quốc phòng an
ninh và xây dựng quân đội trong thời kỳ mới. Đây là cơ sở cho việc thực hiện công
tác tuyên truyền mang lại chất lượng, hiệu quả cao. Việc sử dụng các phương
tiện thông tin đại chúng, lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp với từng đối
tượng để tuyên truyền giáo dục là việc làm hết sức cần thiết để nâng cao nhận
thức của toàn xã hội cho vấn đề này. Vì vậy, thờì gian tới, Nhà nước cần quan
tâm đầu tư thoả đáng cho các tuyên truyền nói trên.
Trong quân đội, cần
tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao hiểu biết về nền kinh tế
tri thức, mối quan hệ và tác động của nó đến củng cố quốc phòng- an ninh và xây
dựng quân đội trong thời kỳ mới. Cần vận dụng nhiều hình thức phương pháp tuyền
truyền giáo dục phong phú đa dạng, sử dụng các chuyên gia, các giảng viên có
kiến thức sâu rộng đồng thời sử dụng các phương tiện hiện đại để tuyên truyền giáo
dục cho có hiệu quả.
Hai là, chủ động xây dựng chiến lược phát triển
kinh tế tri thức với chiến lược quốc phòng - an ninh và xây dựng quân đội, giải
phóng mọi năng lực sản xuất và năng lực sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân trong
phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng an ninh. Muốn vậy, cần đẩy mạnh cải
cách hành chính, tạo lập hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, bổ sung và xây
dựng hoàn chỉnh khung pháp lý cho phát triển kinh tế tri thức với củng cố quốc
phòng- an ninh và xây dựng quân đội. Nhà nước cũng cần xây dựng một chiến lược
tổng thể, đồng bộ ở tầm vĩ mô mang tính lâu dài nhằm phát triển kinh tế tri
thức với an ninh - quốc phòng, xây dựng và đẩy mạnh tốc độ phát triển các loại
thị trường đặc biệt là thị trường khoa học công nghệ.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực bậc cao đáp
ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và củng cố quốc phòng - an ninh, tiến
hành cải cách sâu rộng trong lĩnh vực
giáo dục đào tạo. Đây là vấn đề có vai trò quyết định đến tốc độ, chất lượng phát
triển kinh tế tri thức với củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng quân đội.
Mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2025 và những năm tiếp theo
là xây dựng một nền giáo dục có tính thực tiễn và hiệu quả cao, tạo bước chuyển
biến mạnh về chất lượng, đưa nền giáo dục nước ta sớm tiến kịp các nước phát
triển trong khu vực, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài,
góp phần đắc lực thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã
hội, xây dựng một xã hội học tập đi liền với việc mở rộng quy mô và hình thức
đào tạo.
Bốn là, nâng cao năng lực nội sinh về khoa học
- công nghệ tập trung phát triển các ngành công nghệ cao để phát triển kinh tế
tri thức, hiện đại hoá quốc phòng - an ninh và quân đội. Muốn vậy cần phải nâng
cao năng lực nội sinh của đất nước về khoa học công nghệ trong đó chú ý khoa
học công nghệ quân sự; quan tâm khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng để phát
triển công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thứ năm, phát huy vai trò của quân đội trong
phát triển kinh tế tri thức. Quân đội phải làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc, tạo môi
trường hoà bình ổn định để phát triển kinh tế đất nước, tích cực tham gia đào
tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức,
phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương trong xây dựng kế
hoạch phát triển kinh tế tri thức.
Tóm lại, kinh tế
tri thức là vấn đề còn rất mới mẻ, nghiên cứu đề hiểu biết đầy đủ về nó là vấn
đề cấp thiết có ý nghĩa thiết thực trong tinh hình hiện nay. Phát triển kinh tế
tri thức tác động đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và có ý
nghĩa quyết định trong sự nghiệp xây dựng và củng cố quốc phòng - an ninh, xây
dựng quân đội trong thời kỳ mới./.
[1]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG Sự
thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.100-101.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét