“Bữa sáng cho em” và sự lan tỏa yêu thương của người lính biên phòng
Chia cơm cho học sinh Trường Trung học cơ sở-Tiểu học bán trú xã Lóng Sập. 
Và câu chuyện “Bữa sáng cho em” không chỉ là chia sẻ bữa cơm mà còn là sự lan tỏa yêu thương, kêu gọi mọi người cùng chung tay, đồng hành cùng học sinh đang gặp khó để các em có thêm bước tiếp trên con đường thực hiện giấc mơ con chữ…

Đại úy Mai Thế Cảnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập cho biết, mô hình “Bữa sáng cho em” được bắt đầu vào một ngày đông của 8 năm trước khi Trung tá Đào Mạnh Tưởng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập (nay là Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP Sơn La) trong 1 lần đi tuần tra ghé thăm Điểm trường mầm non Buốc Pát (xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Xót xa trước cảnh các cháu nhỏ đến trường nhưng không đủ cơm ăn, không có quần áo mặc, Chính trị viên phó Đào Mạnh Tưởng đã đưa vấn đề ra trong cuộc họp của đơn vị để xin ý kiến giúp các cháu. Sau khi bàn bạc, cán bộ, chiến sĩ thống nhất sẽ bớt tiêu chuẩn bữa sáng 2 ngày cuối tuần của mình để chia thành các bữa sáng cho các cháu. Và câu chuyện “Bữa sáng cho em” được bắt đầu như thế. 
Nói thêm về Buốc Pát, đó là bản nằm sát đường biên giới Việt Nam-Lào chạy qua địa phận xã Lóng Sập. Cả bản có 15 hộ với 94 khẩu đều là người dân tộc Mông. Cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn bởi canh tác khó khăn trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước và độ dốc lớn. Thế nhưng, điều đáng nói Buốc Pát là địa bàn trọng điểm về tội phạm ma túy, hầu hết các gia đình đều có người nghiện hoặc đang thi hành án phạt tù do liên quan đến ma túy. Cơn lốc ma túy đi ngang, Buốc Pát còn lại là những mái nhà xiêu vẹo, người lao động chính trong nhà chịu án tù, nghiện ma túy. Chỉ tội những đứa trẻ sinh ra không chỉ thiếu thốn về vật chất mà thiếu thốn cả tình thương của người thân, ruột thịt. Cô Hà Thị Xuyên, giáo viên phụ trách điểm trường chia sẻ về học sinh của mình khiến ai cũng xót xa. Lớp của cô Xuyên có 14 học sinh thì quá nửa không đủ giấy tờ để có thể hưởng chế độ cho học sinh bán trú. Lý do thì nhiều, lúc thì do bố mẹ các em không có giấy kết hôn, hoặc nơi khác chuyển đến chưa có hộ khẩu. Cô gái nhỏ Mùa Thị Sênh mới 4 tuổi có mái tóc vàng râu ngô và đôi mắt lúc nào cũng cụp xuống. Bố của Sênh là Mùa A Dê, năm trước phải đi tù. Mẹ Thào Thị Dợ để lại Sênh rồi sang Trung Quốc tìm việc làm và từ đó bặt tin. Cô bé Sênh lúc ý còn đỏ hỏn bỗng dưng mất cả cha lẫn mẹ. Bà nội nhiều năm nay nghiện ma túy, cứ đi lang thang khắp bản, không còn minh mẫn. Sênh lớn lên trong sự yêu thương của ông nội và chú. Bố mẹ không đăng ký kết hôn nên em không có giấy khai sinh, bởi vậy mà em cũng không được hưởng chế độ cho học sinh bán trú.
Hay cậu bé Mùa A Phự đã 5 tuổi. Phự muốn được đến lớp, thế nhưng gần như buổi sáng nào mẹ Phự cũng một tay bế đứa em chưa đầy tuổi, tay kia dắt theo con bò cứ đến cổng trường réo réo: “Phự ơi, đi chăn bò”. Những lúc ấy, Phự lại phải xin cô giáo: “Em dắt bò đi ăn lá rồi đến bữa cơm em về”. Nhìn cậu bé lầm lũi dắt con bò to gấp mấy lần mình mà lòng cô Xuyến dâng lên những cảm xúc khó tả. Đã nhiều lần cô Xuyến và cán bộ Tổ công tác biên phòng Buốc Pát gặp mẹ Phự nói rằng: “Mẹ Pòng ơi, phải để Phự đi học như chúng bạn, đừng bắt Phự đi chăn bò nữa”. Lúc ấy, chị Pòng ngân ngấn bảo: “Kể từ ngày bố đi cai nghiện, một mình tôi với 3 đứa con thế này thì biết làm thế nào. Phự nó lớn nhất nhà phải giúp mẹ thôi. Khi nào bố Phự về mới đi học được”. Đấy là mẹ Phự nói vậy chứ cô Xuyên hiểu rằng bố Phự về có khi cuộc sống còn khó khăn hơn.
“Bữa sáng cho em” và sự lan tỏa yêu thương của người lính biên phòng
Cô Xuyên và chiến sĩ Tổ công tác biên phòng Buốc Pát chăm sóc bữa ăn cho trẻ em ở điểm trường Buốc Pát.
Nói là bữa ăn sáng, nhưng thực ra đó là bữa ăn chính của 14 học sinh nhà trẻ, mầm non của điểm trường Buốc Pát. Trước khi có “Bữa sáng cho em” của BĐBP, những đứa trẻ đến trường chỉ mang theo củ sắn, củ khoai, ai khá hơn thì có nắm cơm nguội để ăn trưa. Một chút thức ăn đấy khiến những đứa trẻ cứ xơ xác vì đói vì lạnh. Phần cơm của cô giáo Hà Thị Xuyên mang theo cứ sẻ làm 3, làm 4. Từ ngày có những người lính biên phòng giúp đỡ, cứ buổi sớm, Thượng úy Mùi Văn Ngọc chở phần cơm đã được để sẵn trong các thùng giữ ấm lên Buốc Pát. Cơm có rồi, bộ đội và giáo viên lại đến từng nhà để vận động học sinh đến lớp. Nhìn các cháu ăn bữa sáng, cô Xuyên lại nghĩ đến bữa trưa. Trước khi vào bữa sáng, cô Xuyên thu lại những nắm cơm, củ khoai mà học sinh mang theo. Bữa sáng cô cũng không chia hết mà bớt lại 1 phần thức trong thùng giữ ấm. Buổi trưa, nếu sắn khoai nhiều, cô sẽ không nấu thêm mà chia cùng thức ăn buổi sáng. Vậy là, những học sinh bé bỏng của cô lại có bữa trưa ngon lành.
Việc làm ý nghĩa của những người lính biên phòng đã tạo nên sự lan tỏa yêu thương khi có nhiều đơn vị, mạnh thường quân đã biết đến “Bữa sáng cho em” và cùng đồng hành, chung tay giúp học sinh nghèo ở Lóng Sập. Trường Trung học cơ sở-Tiểu học bán trú xã Lóng Sập có 120 học sinh nhưng chỉ có 50 em có tiêu chuẩn ăn bán trú. Từ năm học 2019-2020, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập đã quyết định “tài trợ” 70 suất ăn đó. Mỗi buổi sáng, anh nuôi của đơn vị sau khi nấu xong, cơm và thức ăn được chia làm 3. Phần được bày biện trên bàn ăn cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, phần thứ 2 gồm 14 suất cho Điểm trường mầm non Buốc Pát và 50 suất còn lại cho Trường Trung học cơ sở-Tiểu học bán trú xã Lóng Sập. Vậy là, nhờ tình thương và trách nhiệm của những người lính biên phòng, những học sinh nghèo ở xã biên giới Lóng Sập đã có những ngày vui đến trường.
Hơn một tháng nay, Điểm trường mầm non Buốc Pát và Trường Trung học cơ sở- Tiểu học bán trú xã Lóng Sập nghỉ học đề phòng dịch viêm đường hô hấp cấp. Các thầy cô giáo và các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập cũng sốt ruột lắm bởi không đến lớp không duy trì được bữa ăn cho các em, những đứa trẻ sẽ ngủ vùi cho qua cơn đói hoặc lại phong phanh chơi tha thẩn quanh nhà. Nhiều người mong được nghỉ ngơi, nhưng các thầy cô chỉ mong nhanh hết dịch được trở lại lớp. Có như vậy, mọi người mới có thể yên tâm về những những em học sinh của mình.
Đại úy Mai Thế Cảnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập cho biết: Ngoài mô hình “Bữa sáng cho em”, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, còn nhận đỡ đầu trực tiếp 3 cháu học sinh, trong đó có 2 cháu ở xã biên giới, 1 cháu ở nước bạn Lào, với mức đỡ đầu mỗi cháu 500.000 đồng/tháng, cho đến khi học xong lớp 12. Việc làm này được thủ trưởng cấp trên đánh giá cao và nhận đỡ đầu thêm 14 cháu nữa trên địa bàn. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tham mưu tích cực cho cấp ủy Đảng, chính quyền các ban ngành, đoàn thể địa phương vào cuộc, đồng thời thu hút sự chung tay, đồng hành. Nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ thêm các nhu yếu phẩm thiết yếu, như gạo, mỳ tôm, cá khô, mắm muối, dầu ăn, thậm chí cả chăn màn, quần áo, giúp đảm bảo sức khỏe cho các cháu trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt, đặc biệt là mùa đông lạnh giá ở vùng cao.
Bài, ảnh: THANH TRÚC