Không bao giờ đề cao mình, Bác luôn coi mình cũng là người phục vụ như mọi người, nên không bao giờ để người khác phải cung phụng, vất vả vì mình. Dù ở cương vị Chủ tịch nước, Bác vẫn chưa lúc nào coi mình là vua, là quan, dù là quan cách mạng mà vẫn coi mình là đầy tớ của nhân dân, hòa đồng với nhân dân, với những người cần lao nghèo khổ.
Sau mấy mươi năm xa cách, Bác mới có dịp trở về thăm quê hương xứ Nghệ. Bữa cơm quê hương đón Bác thật sang trọng, những tưởng Bác sẽ hài lòng. Nào ngờ Bác chỉ nhìn thoáng rồi lắc đầu: “Dân Nghệ ta sống khổ quen rồi. Bác không quen dùng mấy thứ này. Các chú đã bày thì cứ dùng cho tự nhiên. Bác đã chuẩn bị khẩu phần riêng từ nhà rồi”. Và thế là Bác cùng người cảnh vệ ra xe mở cơm nắm cùng ăn.
Theo đồng chí Vũ Kỳ, những chuyến đi công tác của Bác thường ít khi địa phương nào, cơ quan nào mời được Bác ăn cơm. Thường là Bác tranh thủ về ngay để ăn cơm nhà. Nếu xa, bao giờ Bác cũng yêu cầu các đồng chí bảo vệ chuẩn bị sẵn cơm nắm mang theo. Cơm vẫn độn ngô, mì như một công chức bình thường.
Theo đồng chí Vũ Kỳ, những chuyến đi công tác của Bác thường ít khi địa phương nào, cơ quan nào mời được Bác ăn cơm. Thường là Bác tranh thủ về ngay để ăn cơm nhà. Nếu xa, bao giờ Bác cũng yêu cầu các đồng chí bảo vệ chuẩn bị sẵn cơm nắm mang theo. Cơm vẫn độn ngô, mì như một công chức bình thường.
Một lần về thăm Thái Bình sau một trận lụt nặng, Tỉnh ủy làm cơm cố nài Bác ở lại ăn. Bác nói: “Đi thăm cảnh lụt còn ăn uống nỗi gì…”. Bác làm thế không phải cố ý khác người mà thực ra đó chính là một phần những gì thuộc về phong cách Bác, nhân cách Bác. Giản dị, khiêm nhường đã trở thành nét bản chất trong nhân cách Bác. Bác coi đó như một thứ đạo, một niềm vui, một hạnh phúc mỗi ngày.
Hãy nghe lời tự bạch của Bác khi sống và làm việc giữa những ngày thiếu thốn, khó khăn ở hang Pắc Bó những năm đầu thập kỷ 40:
Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ măng tre vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Là một nhà cách mạng lỗi lạc, một nhà thơ, một danh nhân văn hóa, song ở đâu và bất cứ lúc nào ta vẫn thấy Bác nguyên vẹn là người Việt Nam bình dị với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ngay khi ở giữa thủ đô Hà Nội sau 1954, bữa ăn hàng ngày của Bác vẫn chỉ là tương cà, rau dưa, đặc biệt là món cá bống kho lá gừng.
Hàng ngày Bác vẫn đi bộ đến nhà ăn, ngồi ăn cùng với các cán bộ nhân viên trong phủ Chủ tịch. Nhiều ngày trời mưa, lối đi bị ngập nước, Bác xắn quần cao quá gối, cầm ô lội nước sang nhà ăn. Mọi người thương Bác trào nước mắt nhưng vẫn không sao thuyết phục được Bác cho dọn cơm bên nhà sàn. Bác nghiêm khắc nói: “Các chú muốn chỉ một người vất vả hay muốn cho nhiều người cùng vất vả vì Bác”.
Một hôm vào ngày 3-7-1967, Bác mời cơm nữ anh hùng miền Nam Trần Thị Lý. Vì thương chị còn đang mang thương tật, trời lại mưa lớn nên Bác đồng ý để đồng chí Vũ Kỳ dọn cơm tại nhà sàn. Hôm sau, tưởng đã thành tiền lệ, các đồng chí phục vụ lại dọn cơm ở nhà sàn mời Bác ăn. Bác gọi ngay đồng chí Vũ Kỳ đến và phê bình: “Các chú muốn để Bác hư thân đi có phải không?”.
Câu chuyện trên về Bác đã dạy ta bài học lớn: Sự rèn luyện không phải chỉ ở những thử thách lớn lao, những công việc trọng đại sống còn mà còn ngay trong những hoạt động sinh hoạt nhỏ nhặt đời thường nhất. Càng trưởng thành, càng thành đạt, càng có chức vị, quyền uy càng dễ “hư thân” nếu không nghiêm khắc với mình, không tiếp tục rèn luyện và rèn luyện.
Là Chủ tịch nước, là vị tổng tư lệnh tối cao giữa những ngày gian khổ ác liệt nhất của cuộc kháng chống Pháp, ấy vậy mà khi cần thiết Bác vẫn chủ động sắm vai người phụ bếp giỏi giang khéo léo. Chuyện kể hồi ở Việt Bắc, có lần đi công tác, buổi trưa, Bác cháu dừng chân bên một bờ suối nấu ăn. Bác bảo các chú nấu cơm để Bác rán trứng. Trứng rán xong mà cơm chưa chín, Bác lấy que sắt nung trên than hồng rồi đặt lên khoanh trứng thành những hình quả trám rất đẹp, anh em đều cười thán phục. Được phục vụ mọi người, góp phần làm cho bữa ăn thêm ngon, thêm sắc màu thì còn gì hạnh phúc hơn. Đây là bài học đáng suy nghĩ cho không ít người đang nhiễm căn bệnh quyền uy trong xã hội và ở gia đình.
Càng đi sâu tìm hiểu Bác, ta càng cảm nhận những bài học văn hóa, nhân văn sâu sắc. Chuyện kể rằng hồi ở Việt Bắc, có bữa bận phải ăn sau, Bác dặn các cô chú cứ ăn thịt cá, nhớ để phần Bác món cà dầm mắm. Có hôm Bác làm việc quá khuya, sợ Bác mệt, đồng chí phục vụ liền bưng lên mời Bác bát chè đậu đen đường phèn. Vừa lúc đồng chí liên lạc mang công văn đến, thương đồng chí đi đường xa đêm khuya vất vả gió sương, thế là Bác chia bát chè làm hai “bắt” anh liên lạc phải ăn bằng được Bác mới chịu ăn.
Ngồi ăn chung với mọi người Bác luôn nhắc ăn món gì cho hết món ấy. Món gì liệu chừng không dùng hết thì Bác tự tay đặt riêng một chỗ để người sau hoặc bữa sau dùng lại, không mang tiếng là đồ thừa. Có món gì ngon bao giờ Bác cũng gắp cho mọi người trước. Ăn xong, không bao giờ Bác quên thu xếp gọn gàng bát đĩa để đỡ vất vả cho người phục vụ.
Bác Hồ của chúng ta là thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh của dân tộc ta là thế. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, mỗi chúng ta dù ở chức danh, địa vị nào xin hãy chớ vội nghĩ đến những gì to tát, cao xa mà trước hết hãy bắt đầu ngay từ những gì nhỏ bé nhất, đời thường nhất.
Ảnh: Bác trò chuyện với dân làng Lâm Xuyên, tỉnh Bắc Giang năm 1955
Nguồn: SGGPO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét