2/3/20

Kiên định vận dụng tư tưởng nhân văn quân sự Hồ Chí Minh xây dựng quân đội của dân, do dân, vì dân

Vẫn với chiêu bài và luận điệu cũ, một bài viết được trang mạng BBC Vietnamese dẫn đăng, có đoạn: “Với những huệ lụy từ tư tưởng bạo lực cách mạng của Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã chịu đủ những mất mát, thương đau qua hai cuộc chiến tranh”. Họ còn diễn giải và khuyên can: Quân đội nhân dân Việt Nam nên chối bỏ hệ tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, không nên là đội quân vũ trang trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, không nên lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng cho công cuộc xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bởi lẽ tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã lỗi thời so với tình hình mới…

Nhân văn quân sự Hồ Chí Minh-Giá trị văn hóa trường tồn
Các luận điểm nêu trên thực chất là một kiểu-một hình thức cố tình bóp méo, xuyên tạc, phủ nhận sạch trơn giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng nhân văn quân sự (NVQS) của Người nói riêng; đồng thời cũng chính là mưu đồ hòng hiện thực ý đồ “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch. Thế nhưng, hàm ý của những kẻ chủ mưu lại hoàn toàn xa lạ với sự thật, đi ngược với sự ghi nhận, tôn vinh của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên thế giới trước tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có giá trị trường tồn cùng thời đại.
Trước hết, chúng ta thấy rằng, cơ sở để lật tẩy, phủ nhận hoàn toàn những thủ đoạn trên xuất phát từ chính giá trị thời đại của tư tưởng NVQS Hồ Chí Minh, bắt nguồn từ sức mạnh cảm hóa của chủ nghĩa nhân văn hiện thực cao cả từ con người và sự nghiệp cách mạng Hồ Chí Minh. Viết về Người, nhà thơ Xô-viết (trước đây) Ô-xít-măng-đen-xam dành sự kính trọng đặc biệt: “Cả gương mặt Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai. Qua cử chỉ cao thượng và tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”.
Chính những đóng góp của Người cho nhân loại, tại Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 24 tại Pa-ri (từ ngày 20-10 đến 20-11-1987), UNESCO đã tôn vinh Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hóa kiệt xuất"… Chính tình cảm và lòng nhân ái, cùng tư tưởng nhân văn của Người đã để lại muôn vàn yêu thương cho những người được may mắn một lần tiếp xúc. Khi người ra đi về cõi vĩnh hằng, dân tộc Việt Nam mất đi người cha già kính yêu trong niềm tiếc thương vô hạn; chúng ta cũng đã nhận hơn 22.000 bức điện chia buồn từ 121 nước trên khắp thế giới… Đó là những bằng chứng sinh động về nhân cách và tư tưởng, đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh. Vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta đang thực hiện, vì tương lai của dân tộc. Đó cũng là lý do, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động; Quân đội và LLVT nhân dân lấy tư tưởng NVQS của Người làm nền tảng lý luận xây dựng quân đội cách mạng trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, phát triển. Tư tưởng của Người là tiền đề, những vấn đề cơ bản, cốt lõi chỉ đạo mọi hoạt động quân sự của quân và dân ta qua các giai đoạn lịch sử cũng như trong tương lai.

XUÂN BỘ và TẤN TUÂN 
Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng NVQS Hồ Chí Minh, quá trình hình thành, xây dựng, chiến đấu hơn 70 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất của Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong đó, chức năng, nhiệm vụ hàng đầu là “Sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng…”.
Đồng thời với đó, Quân đội ta cũng được thế giới công nhận là đội quân nhân văn, nhân đạo, là đội quân chính nghĩa, luôn hướng đến giá trị hòa bình, chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự tiến bộ của nhân loại. Biểu hiện cụ thể cho sự vận dụng trung thành tư tưởng NVQS Hồ Chí Minh chính là việc Quân đội ta coi trọng xây dựng vững mạnh về chính trị tư tưởng, thực hiện “chính trị trọng hơn quân sự”; giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân; phấn đấu theo mục tiêu cao nhất “Vì nhân dân phục vụ”; là đội quân “của dân, do dân, vì dân” và có tinh thần quốc tế trong sáng, cao cả.
Đặc biệt, kế thừa và phát huy giá trị NVQS Hồ Chí Minh, trải qua các giai đoạn lịch sử, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quân đội luôn tập trung giáo dục, rèn luyện các thế hệ quân nhân cách mạng có nhân cách toàn diện, nhưng trên hết và trước hết phải có đạo đức trong sáng, tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, mang trong mình chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Trong khoảng 8 năm gần đây, kể từ khi thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, rồi thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, các đơn vị trong quân đội đã đẩy mạnh nghiên cứu, vận dụng tư tưởng NVQS Hồ Chí Minh, vận dụng vào công tác quản lý, giáo dục bộ đội; tập trung xây dựng, giữ vững và phát huy giá trị Bộ đội Cụ Hồ. Quân đội thực sự là một điển hình tiêu biểu của toàn quốc trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Sáng tạo vận dụng, xây dựng quân đội vững mạnh từ gốc
Hiện nay, đối với hoạt động quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, hoạt động quốc phòng, an ninh đất nước nói chung, tính nhân văn, nhân đạo thể hiện rất rõ ở việc xác định mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Các nghị quyết Trung ương gần đây chỉ rõ hơn về nội hàm mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, đồng thời chỉ ra một mục tiêu quan trọng là: Bảo vệ môi trường hòa bình của khu vực và thế giới. Đây là tư duy mới, đồng thời cũng phản ánh đầy đủ hơn bản chất nhân văn của quân đội ta-đó là bản chất bất biến và ngày càng phát triển. Đó cũng là một minh chứng thuyết phục khẳng định sự vận dụng sáng tạo tư tưởng NVQS Hồ Chí Minh trong điều kiện mới, hướng tới các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Theo đó, Quân đội ta đã và đang tham gia vào nhiều hoạt động gìn giữ hòa bình, hoạt động nhân đạo với nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, trong gần 30 năm đổi mới đất nước, hoạt động đối ngoại quốc phòng của Quân đội ta đã góp phần quan trọng tạo dựng và củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển song phương và đa phương. Theo thông tin từ Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng, đến năm 2014, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã mở 34 cơ quan Tùy viên Quốc phòng tại các nước, trong đó có cơ quan thường trú tại 29 nước và 5 nước kiêm nhiệm; đã có 45 nước đặt cơ quan Tùy viên Quốc phòng tại Việt Nam, trong đó có 24 nước thường trú và 21 nước kiêm nhiệm. Nhiều văn bản, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng được ký kết, tạo cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động đối ngoại quốc phòng. Chỉ tính trong giai đoạn 2011-2013, Quân đội nhân dân Việt Nam đã ký 50 văn bản hợp tác với 26 nước và tổ chức quốc tế…
Tư tưởng NVQS Hồ Chí Minh có giá trị trường tồn. Điều đó còn được chứng minh bằng những ví dụ sinh động trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những năm gần đây. Khi có tình huống liên quan đến bảo vệ chủ quyền, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta luôn kiên định mục tiêu và thực hiện chủ trương phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện đấu tranh bằng nhiều biện pháp; lấy biện pháp hòa bình, đấu tranh ngoại giao làm chính; lấy chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo để thuyết phục, cảm hóa đối tượng và tạo hiệu lực, hiệu ứng, tranh thủ sự ủng hộ chính nghĩa của cộng đồng quốc tế, tạo sức mạnh to lớn giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước và môi trường ổn định, hòa bình để phát triển. Như vậy, chân lý ở đây là: Tính chính nghĩa, nhân văn, nhân đạo và khát vọng hòa bình luôn có sức mạnh thần kỳ và chính nghĩa sẽ nhất định thắng. Đó cũng là dữ liệu thực tiễn khẳng định giá trị mang tầm thời đại của tư tưởng NVQS Hồ Chí Minh.
Hiện nay, đứng trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân và các LLVT nhân dân ngày càng hùng mạnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh… đòi hỏi phải tiếp tục trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng NVQS Hồ Chí Minh. Trước hết, việc nghiên cứu, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải làm rõ các giá trị lịch sử và hiện thực của nó, được biểu hiện trên các vấn đề cơ bản và rất quan trọng như: Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; khát vọng hòa bình, giải phóng dân tộc và con người trong tư tưởng NVQS Hồ Chí Minh; sự thống nhất giữa tư tưởng bạo lực cách mạng với chủ nghĩa nhân văn và văn hóa hòa bình; tính chất chính nghĩa, toàn dân, toàn diện, tự vệ, không xâm lược, bảo vệ hòa bình của Hồ Chí Minh; những tư tưởng và nội dung nhân văn trong vũ trang tự vệ, trong khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng; trong nghệ thuật sử dụng bạo lực cách mạng; trong tiến hành chiến tranh nhân dân và xây dựng nền quốc phòng toàn dân của dân, do dân, vì dân; trong xây dựng LLVT nhân dân cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân của Hồ Chí Minh.
Hơn lúc nào hết, việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển tư tưởng NVQS Hồ Chí Minh trong thời kỳ có nhiều biến động, bất ổn và khó lường của tình hình thế giới và khu vực, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, quốc phòng, an ninh và đối ngoại hiện nay, cần làm rõ những vấn đề quan trọng trong xây dựng nhân tố chính trị-tinh thần của quân đội và LLVT nhân dân theo tư tưởng NVQS Hồ Chí Minh. Cần thấy rõ và chú trọng đề cao tính nhân văn, nhân đạo trong xây dựng nhân tố chính trị-tinh thần của quân đội, làm cơ sở cho xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao sức mạnh chiến đấu tổng hợp của quân đội. Cùng với đó, cần tiếp tục làm rõ những vấn đề có tính nguyên tắc trong thực hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, tổ chức chỉ huy, điều hành của người chỉ huy các cấp trong quân đội, vai trò và trách nhiệm của đội ngũ chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị các cấp trong toàn quân; trong thực hiện tư tưởng NVQS Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực bảo đảm các quyền lợi và nghĩa vụ căn bản của quân nhân; trong giải quyết mối quan hệ quân-dân, xây dựng tình đoàn kết, thống nhất giữa cán bộ và chiến sĩ quân đội trong tình hình hiện nay, mà vấn đề trung tâm là thực hành tư tưởng nhân văn “cán bộ phải thương yêu chiến sĩ”, phải thực sự tôn trọng nhân cách, nhân phẩm, danh dự của người chiến sĩ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra và suốt đời là một tấm gương điển hình, mẫu mực về đức phấn đấu, hy sinh vì con người.
Vấn đề cuối cùng cần nhận thức rõ, là phải gắn chặt việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển tư tưởng NVQS Hồ Chí Minh hiện nay với quan tâm, bảo vệ những giá trị và tư tưởng nhân văn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực quân sự, trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng quân đội và nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Gắn việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển tư tưởng NVQS của Người với cuộc đấu tranh phòng, chống các quan điểm, tư tưởng và hành động thù địch, sai trái; làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội, kích động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch đối với quân đội; trước hết là làm rõ, củng cố nhận thức về tính chính nghĩa, tính nhân đạo và nhân văn của Quân đội nhân dân Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” - 90 năm nhìn lại

Lịch sử vẻ vang của Đảng 90 năm qua là lịch sử chiến đấu, hy sinh, thế hệ tiếp nối thế hệ của những người Cộng sản Viê...