4/8/22

Nhận diện và đấu tranh đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, internet, mạng xã hội với đặc điểm về tính mở, phạm vi tương tác đa chiều, tích hợp nhiều tính năng đa phương tiện, tốc độ lan truyền thông tin nhanh, phong phú, đa dạng. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước tăng cường các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đăng tải thông tin xấu, độc, bịa đặt, sai sự thật, bóp méo, chống phá chế độ.


Trước sự chống phá của các thế lực thù địch, các tổ chức đảng luôn xác định: nhiệm vụ bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của chế độ; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cấp bách của mỗi tổ chức cơ sở Đảng. Thời gian qua, hoạt động chông phá của các thế lực thù địch trong thời gian qua, nổi lên mấy vấn đề sau:

Sử dụng các trang Web, Blog, các trang mạng xã hội Facebook, YouTube..., diễn đàn, báo điện tử, đài phát thanh khuếch trương thanh thế, cổ súy “giá trị” văn hóa phương Tây. Tạo lập các trang Blog để thu hút lượng truy cập, như: “Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Biển Đông’’, “Chân dung quyền lực”… Lợi dụng mạng xã hội phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu, độc, phản động, từ đó kích động hình thành các hoạt động như tuần hành, biểu tình, rải truyền đơn, tụ tập kêu gọi chống đối cán bộ địa phương, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền, chia rẽ khối đoàn kết giữa Đảng và nhân dân.

Thứ hai, tạo lập và huy động những tài khoản giả mạo trên mạng xã hội để chống phá; Chúng lập các nhóm kín trên mạng xã hội phân chia theo khu vực địa lý để tập hợp lực lượng trong nước tham gia tổ chức, chỉ đạo chống phá. Mới nhất là các kênh YouTube Nguyễn Văn Đài, Lê Dũng Vova,… trong đó nhiều trang giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tổ chức có uy tín…thông qua đó tung tin bịa đặt, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, lôi kéo, kích động người dân tụ tập, biểu tình và có các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an, trong thời gian qua, các tổ chức phản động ở bên ngoài tiếp tục duy trì, lập mới hàng nghìn website, blog, fanpage Facebook nhằm đẩy mạnh chiến dịch “chiến tranh tâm lý”, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước; xuyên tạc chia rẽ nội bộ, gieo rắc tâm lý hoang mang, hoài nghi, bất bình trong nhân dân đối với chế độ.

Thứ ba, sử dụng các trang mạng xã hội kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn:

Biểu hiện mới của thủ đoạn này là kêu gọi “Biểu tình ảo trên không gian mạng” bằng cách huy động, kêu gọi tất cả các tài khoản trên mạng xã hội gắn các biểu ngữ phản đối Dự thảo Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng tạo ra hiệu ứng đám đông, trong đó người dùng mạng xã hội thường xuyên nhìn thấy các biểu ngữ phản đối, hoặc những người không có lập trường tư tưởng vững vàng sẽ bị tác động thay đổi tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực.

Thứ tư, sử dụng các biện pháp công nghệ để chống lại lực lượng an ninh mạng của ta: Các thế lực thù địch triệt để tận dụng các ứng dụng WhatApp, FireChat và các biện pháp công nghệ được hỗ trợ từ nước ngoài để liên lạc vượt qua các biện pháp phá sóng của lực lượng an ninh. Lợi dụng chức năng quay phim và đăng tải trực tuyến lên trên mạng xã hội Facebook, Youtube để tường thuật trực tiếp sự việc; chuẩn bị sẵn lực lượng ngồi ở nhà để tiếp nhận video, biên tập ngay đề phòng bị lực lượng an ninh thu giữ máy quay trong lúc biểu tình.

Thứ năm, sử dụng thơ ca làm công cụ tuyên truyền, chống phá trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa trên không gian mạng:

Cách thức tiến hành của thủ đoạn này là chuyển hóa các bài viết có sẵn thành thể thơ hoặc bài hát phát trên các kênh âm nhạc trực tuyến; đặt máy chủ ở nước ngoài để vượt qua các cơ chế kiểm duyệt bài viết của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đặc biệt, các thế lực phản động đã kêu gọi tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm giọng hát đấu tranh” nhằm phát động phong trào sáng tác âm nhạc chống phá, xuyên tạc tình hình trong nước.

Sử dụng các đài, báo bên ngoài kết hợp các kênh mạng xã hội để viết bài, cắt ghép, nhào nặn video xuyên tạc, phê phán Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp.

Lan toả các thông tin lượm lặt từ báo chí trong nước và từ tài khoản Facebook của một số cá nhân có quan điểm cực đoan trong nước nhằm phê phán chính quyền, Đại hội Đảng các cấp.

Tổ chức soạn thảo, phát tán “thư ngỏ”, “tâm thư”, “kiến nghị”, “đơn kêu cứu”,… để thu hút sự chú ý của dư luận, cổ súy hoạt động của một số đối tượng có quan điểm cực đoan.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng trong đấu tranh, phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, là một nội dung của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng hiện nay. Nhận thức đúng và được cung cấp, định hướng thông tin chính xác, kịp thời là điều kiện tiên quyết để tạo khả năng “miễn dịch”, “tự đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ địch; đồng thời là cơ sở để chủ động đấu tranh, góp phần đẩy lùi thông tin sai trái, phản động.

Do vậy, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận thức rõ “tính hai mặt” của không gian mạng, “nhận diện” rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù trong việc sử dụng không gian mạng để chống phá cách mạng nước ta. Từ đó, nêu cao nhận thức trách nhiệm cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng trong việc đấu tranh, phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng, có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, có nhãn quan chính trị đúng đắn, đủ sức “phản biện” và “miễn dịch” trước các thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Hai là, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng.

Ban Chỉ đạo 35 của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương, giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới và các văn bản, chỉ thị, nghị quyết có lien quan. Chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch, ra nghị quyết chuyên đề và đưa nội dung đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng trong đơn vị thành nội dung bắt buộc trong nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ thường kỳ của cấp ủy đảng các cấp.

Tập trung lãnh đạo các lực lượng đấu tranh để chiếm lĩnh trận địa thông tin, tư tưởng trên không gian mạng; phải kết hợp và gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó xác định lấy yếu tố “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, chặt chẽ, không khoan nhượng, đấu tranh mạnh mẽ để lên án, loại bỏ cái xấu, lệch lạc.

Chỉ đạo cơ quan chính trị, đơn vị phát huy vai trò của mạng truyền thanh nội bộ, xây dựng chuyên mục, chương trình, tăng thời lượng phát tin về kết quả đấu tranh, phản bác, vạch rõ tính chất phản động, phản khoa học của những quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ba là, làm tốt công tác quản lý chính trị nội bộ, kết hợp đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng với phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa ” trong nội bộ.

Tập trung xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp luôn trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.  Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, Ban Chỉ đạo 35 trong phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm, các hành động vô tổ chức, vô kỷ luật; giải quyết triệt để các vấn đề nảy sinh trong nội bộ. Quản lý chặt chẽ công văn, tài liệu, thông tin mật, nhất là tài liệu có độ mật cao, xây dựng đơn vị và địa bàn an toàn, vững mạnh.

Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nâng cao kiến thức và kĩ năng khai thác và sử dụng Internet, mạng xã hội cho cán bộ, đảng viên là lực lượng kiêm nhiệm

Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, rút  kinh nghiệm giữa các cơ quan chức năng, lực lượng nòng cốt chuyên sâu trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Lực lượng đấu tranh nòng cốt phải rèn luyện “tinh thần thép” và có những nỗ lực vượt bậc, phải thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ; kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin theo quan điểm “sử dụng công nghệ để quản lý, kiểm soát công nghệ”; xây dựng các giải pháp kỹ thuật để kịp thời tạo lập, đánh chặn, trực diện đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch nhằm tăng cường tính chủ động trong lĩnh vực này.

Năm, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, gắn lý luận với thực tiễn, xây dựng hệ thống bài viết chính luận chuyên sâu để phản bác những quan điểm sai trái, thù địch bằng lý chặt chẽ, khoa học.

Trận địa tư tưởng cần vũ khí quan trọng nhất là vũ khí lý luận, song lý luận phải thật sự khoa học, lý luận phải xuất phát từ thực tiễn và đưa ra hướng giải quyết những vấn đề then chốt. Việc đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu lý luận, là một phương thức mới để định hướng dư luận xã hội về mặt tư tưởng. Các lực lượng đấu tranh phải sử dụng lý luận làm nền tảng vững chắc cho định hướng chính trị và dẫn dắt dư luận. Đây là một mặt trận quan trọng và không thể buông lỏng. Do đó, cần giữ vững và không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác nghiên cứu lý luận, giáo dục chính trị, tư tưởng trên mặt trận mới, nóng bỏng, đầy cam go.

Chú trọng xây dựng hệ bài chuyên luận chuyên sâu phê phán, phản bác, bẻ gãy từ gốc những luận điệu xuyên tạc, những quan điểm sai trái, thù địch bằng lý luận và thực tiễn khoa học với hệ thống luận cứ, luận chứng chặt chẽ, có tính thuyết phục cao giúp độc giả hiểu sâu sắc, thấy rõ bản chất vấn đề, từ đó có niềm tin khoa học vững chắc vào nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, của hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên. Đây là cuộc chiến đấu lâu dài, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, trong đó lực lượng chuyên trách làm nòng cốt. Các giải pháp cơ bản trên cần được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có hệ thống nhằm ngăn chặn, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động; góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

 Lê Văn Chung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” - 90 năm nhìn lại

Lịch sử vẻ vang của Đảng 90 năm qua là lịch sử chiến đấu, hy sinh, thế hệ tiếp nối thế hệ của những người Cộng sản Viê...