15/2/20

“Tôi làm thơ là để yêu lính Biên phòng”


Hơn 1.000 bài thơ viết về lính Biên phòng là món quà của “cô gái biên cương” dành cho những chiến sĩ quân hàm xanh trên mọi miền biên giới. Thơ của tác giả Phong Lan luôn đau đáu hướng về miền biên cương Tổ quốc, nơi cô luôn dành trọn vẹn cả tình yêu và nỗi nhớ khôn nguôi. Những nẻo chân mây, mặt đất trên khắp vùng biên giới ngút ngàn hay biển đảo xa xôi đều trở nên gần gũi trong thơ Phong Lan.
Nhà thơ Phong Lan (đứng giữa) tặng thơ cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tén Tằn, BĐBP Thanh Hóa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Dòng chảy thơ ca Việt Nam luôn được bồi đắp bởi những vần thơ viết về biên giới, biển, đảo thiêng liêng. Thơ của tác giả Phong Lan nằm trong số đó, mộc mạc, gần gũi và chan chứa tình yêu thương. Tên thật là Lê Thị Thanh Thủy, sinh năm 1983, cô gái xứ Thanh đã để lại trong lòng người lính Biên phòng những ấn tượng sâu sắc từ lần đầu gặp mặt. 10 năm bén duyên với thơ, Phong Lan đã có hơn 1.000 bài viết về người lính Biên phòng trên mọi nẻo đường biên cương, biển đảo của Tổ quốc.
Từ tập thơ đầu “Nơi ấy biên cương” đến tập tiếp theo mang tựa đề “Hoa biên giới”, tác giả luôn cố gắng đưa hình ảnh người lính quân hàm xanh gần hơn với bạn đọc. Trong số hơn 1.000 bài thơ đó, tác giả dành phần nhiều viết về công việc lặng thầm của người lính Biên phòng nơi rẻo cao biên giới. Có khi đó là công tác vận động quần chúng trên bản dưới làng, lại có khi là những đêm mật phục, tuần tra đánh bắt tội phạm. Nhưng hơn hết, mọi tâm tư, tình cảm của những người lính đã được nhà thơ thể hiện đầy đủ, sâu sắc và không kém phần tinh tế.
Đọc thơ Phong Lan, nhiều độc giả cứ nghĩ rằng, những vần thơ ấy do người lính Biên phòng đang trực tiếp công tác trên những nẻo biên cương sáng tác. Đọc đoạn đầu trong bài “Người lính”, chẳng ai nghĩ nhà thơ đã nhập vai thành công đến thế: “Ta dâng trọn đời mình cho Tổ quốc/ Cả trái tim và dòng máu đỏ tươi/ Trong biết bao vinh quang giữa cuộc đời/ Ta đã chọn niềm vinh quang là lính”. Tác giả đã hóa thân một cách tuyệt diệu để nói lên tình yêu tha thiết của người lính Biên phòng với biên giới, nói lên vinh quang dù khó khăn, vất vả biết nhường nào.
Với tình yêu đặc biệt dành cho biên giới, Phong Lan được những người lính Biên phòng đặt cho biệt danh “cô gái của biên cương”. Ngoài những phút tập trung cho công việc của cuộc sống đời thường, cô luôn đau đáu nhớ về những vùng biên giới điệp trùng của Tổ quốc, nơi có những người lính Biên phòng đang ngày đêm hy sinh quên mình vì nước, vì dân. Hơn 61 đồn Biên phòng mà cô từng đến, nơi nào cũng để lại tình cảm sâu sắc trong lòng cán bộ, chiến sĩ. Để rồi, khi đi xa thì nhớ, khi về gần thì quấn quýt khôn nguôi.
Chia sẻ câu chuyện để cô bén duyên và làm thơ về lính Biên phòng, Phong Lan ngại ngùng tâm sự: “Kết thúc chuyến công tác tại vùng cao năm 2009, những vất vả, khó khăn của người chiến sĩ Biên phòng trên biên giới luôn đau đáu trong tôi. Nghĩ rằng, những hình ảnh đó bạn bè, đồng nghiệp của mình không thể biết, tôi quyết định làm thơ về lính Biên phòng. Khi bắt đầu đặt bút làm thơ, tôi chỉ mong ước sẽ góp phần nhỏ bé của mình đưa hình ảnh người lính Biên phòng đến được với những người chưa có cơ hội lên biên giới”.
Đây cũng là chữ duyên để tập thơ “Nơi ấy biên cương” ra đời năm 2014. Ngòi bút của cô với tình yêu cháy bỏng dành cho biên cương đã lay động biết bao trái tim bạn đọc. Thơ của Phong Lan phản ánh tất cả các mặt công tác của BĐBP, có khi ta bắt gặp hình ảnh người lính thức đêm mật phục, tuần tra: “Bắt gọn trong đêm nay/ Những kẻ gieo mầm ác/ Khi mắt còn ngơ ngác/ Chân vừa tới vùng biên” - Kể chuyện lính Biên phòng đánh án. Bài thơ đã được nhạc sĩ Trịnh Thùy Mỹ chắp cánh giai điệu, phổ nhạc và được đông đảo bạn trẻ yêu thích.
Viết về biên giới, biển, đảo cũng nhiều, nhưng ít ai lại dành trọn cả hồn thơ và tình yêu cho lính Biên phòng như Phong Lan. Không chỉ làm thơ về biên giới, tác giả còn là tình nguyện viên tích cực cho những vùng biên giới xa xôi. Hiện tại, Phong Lan là Chủ nhiệm Quỹ vì biên giới, nhóm thiện nguyện của cô luôn có mặt sớm nhất cùng BĐBP chia sẻ những khó khăn, vất vả của nhân dân vùng biên. Điều đặc biệt ít ai biết, toàn bộ kinh phí có được từ những tập thơ do cô xuất bản đều dành trọn cho Quỹ vì biên giới.
Gần 10 chương trình thiện nguyện với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng trích từ Quỹ vì biên giới đã được nhà thơ Phong Lan và bạn bè dành riêng cho biên giới trong năm 2019. Đặc biệt, đợt lũ hồi tháng 8 tại bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), chị và nhóm thiện nguyện của mình đã có mặt sớm nhất cùng với BĐBP hỗ trợ nhân dân lúc gặp khó khăn. 
Nói về dự định tiếp theo của mình, Phong Lan cho biết: “Là người kể chuyện về lính Biên phòng bằng thơ, tôi chưa có ý định dừng việc làm thơ về chủ đề biên giới. Sau hơn 1.000 bài thơ đã hoàn thành, tôi sẽ tiếp tục viết về những người lính quân hàm xanh trên nhiều góc độ khác nhau. Hi vọng rằng, qua những bài thơ, người đọc sẽ hiểu hơn về những vất vả, gian nan, thiếu thốn và những công việc lặng thầm của người lính Biên phòng nơi rẻo cao biên giới”.
Mến phục tình cảm của Phong Lan dành cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị và nhân dân trong địa bàn, Thượng tá Hồ Ngọc Thu, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo cho biết: “Nhà thơ Phong Lan luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho người lính Biên phòng nói chung và cán bộ, chiến sĩ đơn vị nói riêng. Không chỉ làm thơ hay, chị còn tích cực trong công tác thiện nguyện, Phong Lan cùng với đơn vị tích cực hỗ trợ nhân dân, giúp đỡ bà con vươn lên thoát nghèo. Cán bộ, chiến sĩ Đồn?Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo luôn trân trọng và đón nhận những tình cảm tốt đẹp đó”.
Với sự sáng tạo của mình, Phong Lan đã thành công trong lĩnh vực viết về biên giới và BĐBP. Hai giải A chùm thơ cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật “Biên giới xanh, biển đảo xanh” thành phố Hồ Chí Minh năm 2016, 2017 do Bộ Chỉ huy BĐBP và Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức; giải Nhì cuộc thi thơ về chủ đề “Biên giới và biển đảo” tỉnh Thanh Hóa năm 2017 là những phần thưởng xứng đáng cho “cô gái của biên cương”.
Viết Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” - 90 năm nhìn lại

Lịch sử vẻ vang của Đảng 90 năm qua là lịch sử chiến đấu, hy sinh, thế hệ tiếp nối thế hệ của những người Cộng sản Viê...