Hoa đào khoe sắc sau nhà dân
|
“Phượt” bằng “ngựa sắt”
Lần thứ hai chúng tôi chọn Hà Giang làm “điểm du lịch bụi”. Chỉ khác, lần “phượt” này miền đất đến không phải là Mã Pí Lèng, Cột cờ Lũng Cú, Mèo Vạc; mà là Hoàng Su Phì và “tuyến núi” Châu Lầu Thi- những địa danh độc, lạ, hoang sơ nhất của miền biên ải nơi cực Bắc của Tổ quốc
Khác với mùa xuân trước chúng tôi “phượt” bằng xe bán tải. Lần này để cảm nhận được “đất trời mây núi”, để hít hà mùi đất tỏa ra từ rừng núi nguyên sinh, để tận mắt chiêm ngắm mây lãng đãng bay giữa đỉnh núi Su Phì và thả hồn xuống con suối ngoằn nghoèo thẳm sâu dưới mỏm đá Chiêu Lầu Thi, chúng tôi quyết định hành trình bằng phương tiện “ngựa sắt” của người bản xứ.
Khó có thể tả hết được cái rét cắt da cắt thịt giữa hun hút giá lạnh trên đỉnh núi cao. Cũng không diễn tả hết được cái lãng mạn của đất trời Hà Giang quện hòa trong tim chúng tôi, chỉ biết, lần “phượt này” đã đem lại quá nhiều cảm xúc. Song có lẽ, cảm xúc lớn nhất là được đặt chân đến nơi xa nhất, cao nhất của Tổ quốc, được cầm nắm đất nguyên sinh giữa trời đất bao la, được “ba cùng” (ăn, ở, làm) với người dân bản xứ nơi đây.
Dòng sông chảy giữa núi Chiêu Lầu Thi
|
Giữa sương mù bao phủ dầy đặc, để chống lại cái rét “xẻ từng thớ thịt”, anh Hoàng Long đã phải mặc 4 áo bông, thay 7 lần gang tay, vậy mà vẫn “cầm cập”. Mặc dù “sởn gai ốc” với cái lạnh thấu xương, nhưng tất cả chúng tôi đều ấm lòng và hãnh diện được trở lại Hà Giang lần thứ hai sau một năm mưu sinh khó nhọc. Chị Vũ Minh Quyên bảo: “Đất nước mình quá đẹp tại sao cứ phải đến tận trời Âu. Chỉ nguyên Hà Giang thôi, đi 2 mùa xuân cũng chưa hết, chưa cảm nhận thấu đáo cái hùng vĩ của núi đồi, cái nguyên sinh của rừng, suối; cái bản sắc văn hóa và tình người của người dân bản địa. Nếu “phượt” lần nữa, mùa xuân tới Hà Giang vẫn là điểm tôi chọn
Hùng vĩ Chiêu Lầu Thi
Hà Giang có hàng trăm điểm “phượt” độc, lạ; nhưng có lẽ núi và sông Chiêu Lầu Thi là nơi hấp dẫn nhất của Hoàng Su Phì. Bởi vậy, ai đã một lần đến đây không đến Chiêu Lầu Thi coi như chưa “chạm” đến “trái tim” của đất và người bản xứ.
Trước mắt chúng tôi là núi non trùng điệp của dãy Tây Côn Lĩnh ẩn mình trong sương và những cánh rừng nguyên sinh xanh biếc. Những đồi chè san tuyết cổ thụ, những thửa ruộng bậc thang bạt ngàn trên các sườn núi. Giữa những ngọn núi hùng vĩ ngất trời là dòng Sông Chảy quanh năm bốn mùa nước đục.
Kiêu hãnh giữa núi rừng
|
Nếu đèo Mã Pí Lèng là ngọn núi cao nhất với những sườn đá tai bèo trải dài trông xa như tấm thảm màu xanh; thì Chiêu Lầu Thi là ngọn núi hùng vĩ phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng nguyên sinh. Nếu dòng Sông Nho Quế uốn lượn như dải lụa uốn vòng dưới chân núi Mã Pí Lèng thẳm sâu hun hút; thì Sông Chảy quanh năm chảy xiết, nước bị khuấy đục bởi hàng đàn cá Tầm sinh sống đáy sông.
Ông Lò A Vản- người bản địa ở đây cho biết, đứng trên đỉnh Chiêu Lầu Thi nhìn xuống rợn người. Để xuống được sông Chảy, phải đi cả nửa ngày đường, nhưng rất khó đi vì dốc và trơn trượt. “Vào rừng, xuống suối phải có người dẫn chứ không biết đường nào mà lần ra. Tất cả khách du lịch đến đây đều ngắm sông Chảy từ đỉnh núi, hiếm có ai xuống được, vì núi non hiểm trở, sông sâu và nhiều thú rừng nguy hiểm rình rập. Với chúng tao (người dân bản địa-PV) thì dễ, nhưng chúng mày (khách du lịch-PV) không xuống sông được đâu”, ông Vản, nói
Hoa đào khoe sắc thắm
Những ngày này, Hoàng Su Phì phủ một màu hồng rực rỡ của hàng ngàn hoa đào khoe sắc thắm. Hoa đào rực rỡ bên lối đi, bung nở bên khe suối, đằm thắm sau lưng nhà. Người dân bản xứ nơi đây không nhớ những cây đào gốc to như cái cối giã gạo có từ khi nào, chỉ biết mỗi mùa xuân đến, hoa nở khắp sườn núi, phủ lên mái nhà, len trong lối ngõ, trước sân. Hoa đào ở Hoàng Su Phì không chỉ là “đặc sản” của phố núi, mà còn tượng trưng cho nét đẹp nguyên sơ, thanh cao, quí phái và “hút” chân “mời gọi” du khách mọi miền.
Trò chơi dánh cù trên núi
|
Điều thứ hai làm chúng tôi “hút hồn” sau khi “mục sở thị” rừng đào, mận nở khắp sườn đồi, là “ba cùng” với người bản xứ. Chị Lò A Chảy nhà đầu chân suối Chiêu Lầu Thi, nói tiếng kinh khá sành sỏi cho biết, mỗi mùa xuân đến, gia đình chị đón hàng trăm khách du lịch ghé thăm, trong đó không ít du khách nước ngoài. Căn nhà của chị tuỳnh toàng, vách liếp, nhưng đó là bản sắc dân dã của người Mông. “Ai đến đây cũng thích mì tôm của tôi nấu. Có người nướng ngô, ăn khoai và nướng cá tại bếp lửa này. Có người đến chỉ xem cái nhà xung quanh vây gỗ, vách liếp lá rừng. Ngồi sưởi ấm, uống trà ngọn non, họ đều khen ngon”, A Chảy, nói
Chụp cho mình tấm hình làm kỷ niệm, ăn với người dân bản địa cái bắp nướng bỏng tay, uống với chị A Chảy ly trà non trước khi tạm biệt, chúng tôi trở về miền xuôi sau 5 ngày đêm giữa trời đất Hoàng Su Phì mà lòng nuối tiếc. Nuối tiếc bởi “quĩ” thời gian “phượt” đã hết. Nhưng chắc chắn một điều, mùa xuân sau chúng tôi quay lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét