14/2/20

Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam - kim chỉ nam mọi hành động của Quân đội



“Phi chính trị hóa” quân đội là mục tiêu của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta. Thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội làm cho quân đội “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, để mỗi quân nhân dần phai nhạt lý tưởng cách mạng, xa rời mục tiêu, suy giảm lý tưởng chiến đấu, tiến tới vô hiệu hóa quân đội. Đấu tranh chống “phi chính trị hóa” quân đội là nội dung căn bản trong công cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” nhằm giữ vững nền tảng tư tưởng của quân đội, bảo vệ nền tảng của Đảng, là trách nhiệm của toàn quân, trong đó có vai trò của BĐBP.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến thăm BTL BĐBP, tháng 1-2017 Ảnh: Nguyễn Minh

Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, quân đội là lực lượng vũ trang của một giai cấp, nhà nước, tập đoàn xã hội, là công cụ bạo lực để tiến hành đấu tranh vũ trang nhằm thực hiện mục đích chính trị của giai cấp, nhà nước, tập đoàn xã hội đã tổ chức ra quân đội ấy. Trung thành và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và các tư tưởng tiến bộ trên thế giới, ngay từ những ngày đầu về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Cách mạng Việt Nam muốn giành thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản, cần có bạo lực cách mạng và dùng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng. Dựa vào quan điểm đúng đắn này, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, xác định phải sớm tổ chức ra quân đội, đồng thời xác định rõ chính trị là vận mệnh của quân đội cách mạng.
Nghiên cứu sự ra đời của QĐND Việt Nam, ta thấy rõ vai trò của yếu tố chính trị trong quân đội. Trong hồi ký “Từ nhân dân mà ra”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Ngay từ đầu Bác Hồ đã chỉ ra nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng quân đội. Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là một đội tuyên truyền... Điều này thể hiện rõ một vấn đề có tính nguyên tắc trong tư tưởng của Người về xây dựng đội quân chủ lực, đó là: "Chính trị làm gốc", là nền tảng cho các hoạt động quân sự”. Việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở, nền tảng để xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản trong xây dựng QĐND Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự trưởng thành và phát triển của QĐND Việt Nam. Người khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một QĐND, do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”. Đồng thời, Người luôn yêu cầu Đảng ta “phải xây dựng và lãnh đạo vững chắc lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân, bảo đảm đánh thắng bất cứ kẻ thù nào, bất cứ trong hoàn cảnh nào”. Đây không chỉ là lý luận được đúc kết từ lịch sử, mà còn là tư duy về vai trò lãnh đạo đối với quân đội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng. Từ đó đến nay, tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh lịch sử của đất nước, Đảng ta linh hoạt điều chỉnh chủ trương, đường lối, sử dụng các giải pháp phù hợp để xây dựng tổ chức, tập hợp lực lượng, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng. Bên cạnh đó, QĐND Việt Nam luôn gắn quá trình chiến đấu, trưởng thành với sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nuôi dưỡng của Nhà nước và đùm bọc, chở che của nhân dân. Trên cơ sở chính trị là gốc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn tự quán triệt và nhận thức sâu sắc về sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. 
Thực tiễn đã khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo QĐND Việt Nam trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ vĩ đại; chiến đấu ngoan cường giữ vững biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay. Đảng lãnh đạo Quân đội xây dựng nghệ thuật quân sự, vận dụng linh hoạt trong từng trận đánh, xây dựng QĐND Việt Nam “bách chiến bách thắng”.
Trong giai đoạn hiện nay, ngoài việc xác định bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, mục tiêu lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và CNXH của quân đội, sự lãnh đạo của Đảng còn quyết định các nguyên tắc tổ chức hoạt động, các mối quan hệ của quân đội đối với Đảng, Nhà nước, với Tổ quốc và nhân dân. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, đối lập sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước với quân đội. Lãnh đạo công tác cán bộ, công tác chính sách và tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong QĐND Việt Nam; lãnh đạo xây dựng tổ chức biên chế, vũ khí, khí tài và nuôi dưỡng bộ đội; phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam ngang tầm nhiệm vụ. Có thể khẳng định rằng, sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội là toàn diện, bao quát, sâu sát, cụ thể trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức, hậu cần, kỹ thuật, đời sống, văn hóa tinh thần, các nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu, lao động sản xuất, dân vận và thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả như khẳng định của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: "Toàn bộ công tác chính trị là để thực hiện sự lãnh đạo của Ðảng đối với Quân đội. Công tác chính trị đã trở thành một truyền thống sâu sắc trong quá trình xây dựng, chiến đấu, công tác, sinh hoạt của Quân đội ta; đã trở thành "linh hồn, mạch sống" không thể thiếu được của Quân đội ta".
Ngày nay, các thế lực thù địch ra sức chống phá, xuyên tạc hòng tách rời sự lãnh đạo của Đảng đối với QĐND Việt Nam. Tuy nhiên, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đã trở thành chân lý thấm sâu trong trái tim, khối óc của mỗi quân nhân cách mạng, là thành trì vững chắc không thế lực nào có thể làm suy chuyển được. Sự trung thành tuyệt đối của quân đội là minh chứng thuyết phục bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với QĐND Việt Nam.
Viết Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” - 90 năm nhìn lại

Lịch sử vẻ vang của Đảng 90 năm qua là lịch sử chiến đấu, hy sinh, thế hệ tiếp nối thế hệ của những người Cộng sản Viê...