20/2/20

“Tôi tìm lại được tôi sau khi trở về Tổ quốc”

Vừa qua, luật sư Hoàng Duy Hùng - người Mỹ gốc Việt, đã có chuyến trở về Việt Nam với tư cách một du khách. Song như tâm sự với Báo Nhân Dân thì trong sâu thẳm tâm tư, ông đã trở về như một người con về với “Mẹ Việt Nam”, để từ đó hiểu thêm và rõ hơn bản thân và quê hương mình, cũng như chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Bài viết của ông sau chuyến đi đã cho thấy cụ thể điều này. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Mỗi lần về Việt Nam trong lòng tôi có một cảm giác khác nhau. Lần trở về năm 1990, tôi bị bắt biệt giam từ tháng 2-1992 tới tháng 6-1993 vì đã có ý đồ thành lập cơ sở lật đổ chế độ. Lần thứ hai tôi về nước là năm 2001 với kế hoạch đặt bom tại bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh) và bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ). May mắn cho tôi, sau khi khấn Vua Hùng, tôi đã từ bỏ ý định. Cảm nhận của tôi khi ấy là đất nước đã ổn định và bắt đầu phát triển, người dân được hưởng cảnh an bình, nên lương tâm không cho phép tôi làm điều gì gây xáo trộn cuộc sống của người Việt Nam. Thật sự thì tôi bị hụt hẫng khi thấy đất nước đã thay đổi, suy nghĩ của tôi về Đảng Cộng sản “hèn, ác” cũng khác trước. Tôi nhận ra người cộng sản rất kiên trì lòng yêu nước và thực tế lòng yêu nước của họ rất khác so với những người “quốc gia”. Lần thứ ba là năm 2013, như từng kể trên Báo Nhân Dân, lần đó tôi về Việt Nam với tư cách Ủy viên Hội đồng TP Houston (Hiu-xtơn - Mỹ) để vận động kết nghĩa với TP Đà Nẵng. Dù về trách nhiệm, tôi đặt trách nhiệm, quyền lợi của TP Houston lên trên hết; nhưng tôi đã thấy một Việt Nam ổn định chính trị và đang phát triển vững vàng. Tôi mừng cho dân tộc, cho quê hương của tôi. Lần thứ tư tôi về Việt Nam là để tham dự Lễ Giáng sinh 2019 tại Hà Nội, đón Giao thừa Tết Dương lịch 2020 ở TP Hồ Chí Minh. Và tôi khẳng định rằng được trở về bên “Mẹ Việt Nam”, tôi đã tìm thấy chính bản thân mình, tôi hạnh phúc, sung sướng vô cùng. Nói cách khác, sau rất nhiều trăn trở, băn khoăn, thậm chí cả sai lầm, nay tôi mới tìm ra được chính tôi. Tôi không còn thù hận Đảng Cộng sản Việt Nam nữa mà trân quý lòng yêu nước của các đảng viên cộng sản. Tại sao lại như vậy? Tôi xin trả lời bằng những suy nghĩ sau khi chứng kiến sự đổi thay của đất nước.
Cũng như những quốc gia đang phát triển khác, ở Việt Nam còn có một số tiêu cực, nhưng tôi thấy những mặt tích cực của Việt Nam là cơ bản, lớn hơn rất nhiều và Việt Nam hôm nay đã thay da đổi thịt thật sự. Bước xuống sân bay quốc tế Nội Bài, tôi thấy nơi này đẹp, sang trọng không thua kém sân bay ở các quốc gia khác. Vào TP Hồ Chí Minh từ Nội Bài, tôi thấy nhà ga nội địa, sân bay Tân Sơn Nhất cũng sạch sẽ, sang trọng, văn minh tương tự. Từ sân bay Nội Bài về Hà Nội, hoặc từ Hà Nội sang Nội Bài, tôi đi trên đường cao tốc vừa tốt, vừa đẹp, vừa sạch sẽ và không còn ổ gà như xưa. Hai bên đường, cao ốc, chung cư nhiều hơn, đèn điện sáng giăng giăng khắp nơi. Tất cả cho thấy cảnh tượng về sự phát triển. Nghĩ đó là ở vùng đô thị, nhưng rồi đến nhiều nơi, tôi mới biết đây là bức tranh chung của cả nước. Ở Hà Nội, tôi thăm khu chung cư Times City, ban đêm tôi đi ô-tô qua đường vành đai 3 trên cao, ngắm quang cảnh khu vực hồ Tây với những cao ốc, đường sá sạch sẽ,... trong tôi trào lên cảm xúc hãnh diện, tự hào. Trước đây, khi tôi về Hà Nội, chưa có những khu vực tân tiến này. Cũng như vậy, vào TP Hồ Chí Minh, tôi thấy khu Tân Cảng, khu Mỹ Hưng đẹp lộng lẫy, khang trang mà tôi chưa thấy khi về lần trước. Từ Hà Nội đi Hải Phòng, tôi gặp đường cao tốc không khác đường cao tốc ở Mỹ, ô-tô có thể chạy tới 120 km/giờ, mỗi bên ba làn xe. Các trạm dịch vụ nghỉ chân đều xây mới, phòng vệ sinh sạch sẽ không tính tiền, quầy hàng có wifi làm cho tôi liên tưởng đến các trạm dịch vụ ở đông bắc nước Mỹ hay ở châu Âu. Tới vịnh Hạ Long, quả thật tôi cho rằng đây là “thiên đường hạ giới”, là kỳ quan thiên nhiên do “trời” ban tặng kết hợp với trí óc, bàn tay của con người để phát triển theo một quang cảnh rất mới, làm tôn lên cảnh đẹp lạ lùng của tự nhiên. Trong hai tuần về thăm đất nước, dù biết sẽ rất mệt mỏi, nhưng tôi vẫn cố gắng đi thật nhiều. Từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến Hải Phòng, Cao Bằng... nơi nào tôi cũng thấy hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, năng động và phát triển. Nhà cửa san sát, cuộc sống nhộn nhịp, người dân hồ hởi, nhà máy, xí nghiệp, công xưởng mọc lên khắp nơi. Và tôi đặc biệt ấn tượng với công nghệ xe hơi của nhà máy Vinfast ở Hải Phòng. Hay chỉ riêng hình ảnh về mâm cơm của người Việt Nam hôm nay cũng đã nói lên rất nhiều. Không còn đói nữa, mà đã được ăn no, đủ dinh dưỡng, thậm chí đang nảy sinh vấn đề làm thế nào để bữa ăn ngon hơn, sang hơn. Đương nhiên vẫn còn có một số người còn khó khăn, đói nghèo, nhưng điều này không có gì lạ, nơi nào cũng có, ở Mỹ hay ở châu Âu cũng vậy. Vấn đề quan trọng là ở chỗ Đảng, Nhà nước Việt Nam rất chú trọng hỗ trợ những hộ dân còn đói nghèo, giúp họ thoát nghèo và vươn lên. Tôi đã quay phim và phát trên mạng những hình ảnh về sự phát triển của đất nước, đã đưa ra một số nhận xét, phát biểu lạc quan về sự phát triển đó, song một số người Việt Nam ở hải ngoại không tin, cho rằng tôi khen Việt Nam thái quá. Tôi chủ trương không trả lời cho những gì xuyên tạc, vì ai không tin, cứ việc về Việt Nam. Sự thật sẽ buộc họ phải suy nghĩ lại.
Hình ảnh phát triển của Việt Nam phản ánh đúng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam với GDP tăng trưởng khoảng 6,8%/năm trong 5 năm qua; và hơn 7% trong hai năm 2018 và 2019. Việt Nam là quốc gia được IMF và World Bank đánh giá là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới. Thành tựu này có được từ đâu? Theo tôi, là từ sự lãnh đạo sáng suốt và đúng đắn, hết lòng vì đất nước và nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ sự tin tưởng, ủng hộ và nỗ lực của toàn dân để xây dựng đất nước ổn định về chính trị, làm cơ sở để phát triển kinh tế. Một số người đòi hỏi “đa đảng” và nghĩ rằng “đa đảng sẽ là đũa thần” đưa kinh tế đi lên, nhưng trong thực tế, rất nhiều quốc gia có chế độ đa đảng mà chính trị thì bất ổn, kinh tế thì suy sụp, các mặt tiêu cực còn nhiều hơn ở Việt Nam, thậm chí chỉ số kinh tế đâu có phát triển bằng Việt Nam. Vì vậy, không nên “bỏ hình bắt bóng” mà hãy biết trân quý những gì mình đang có để cùng nhau chung tay xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Đó là những mặt phát triển tích cực, về tiêu cực thì tôi không hài lòng về nạn kẹt xe và ô nhiễm. Nhà nước cần điều hành có hiệu quả hơn để khắc phục nạn kẹt xe, cần có những phương tiện công cộng giúp cho sự đi lại nhanh chóng dễ dàng, phải kiểm soát các phương tiện giao thông quá cũ thải chất carbon dioxide ra quá nhiều thì nạn ô nhiễm mới bớt đi, sức khỏe của người dân mới bảo đảm. Tôi cũng không hài lòng bởi vẫn còn những sự chồng chéo trong vận hành công việc của một số ban, ngành và tôi mong trong tương lai gần, việc chồng chéo này sẽ không còn.
Những ngày thăm đất nước, tôi đã tiếp xúc với nhiều người Việt Nam, từ cá nhân bình thường tới người làm việc tại một số ban, ngành của chính quyền. Tôi cảm nhận tính nhân văn của người Việt thật tuyệt vời. Tiếp xúc với đại diện Báo Nhân Dân, tôi không những được đón tiếp như một thành viên, mà còn như người anh em xa xứ trở về. Ứng xử của Báo Nhân Dân, nhất là khi cho tôi tham quan hầm tránh bom đạn của các vị tiền bối làm báo trong thời chiến tranh, được cô hướng dẫn viên cắt nghĩa và diễn giải, giúp tôi nhận ra và hiểu thêm về lòng yêu nước sâu thẳm, bền bỉ của những thế hệ cộng sản tiền bối. Khi ấy, tôi thật sự xúc cảm và trân quý lòng yêu nước của những người cộng sản, tôi thấy họ không hề “tàn ác, xấu xa” như tôi từng bị tuyên truyền. Và tôi cảm thấy trân trọng, thân thiện hơn với những đảng viên cộng sản yêu nước. Tiếp xúc với đại diện các ban, ngành và cơ quan truyền thông như VTV1, VTV4, VOV, An ninh TV... cũng vậy. Tất cả đều rất thân thiện, nhân văn, đưa ra những câu hỏi chuyên nghiệp, sâu sắc. Và điều quan trọng không chỉ là các câu hỏi, quan trọng hơn là cảm giác những người đó đón nhận tôi như một người anh, một người em, một người Việt xa xứ trở về với “Mẹ Việt Nam” trân trọng và cổ vũ tôi được đem sức mình đóng góp cho chủ trương hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Cảm giác đó rất thật và rất đặc biệt, rất khó sử dụng từ ngữ để diễn tả.
Tiếp xúc với những cá nhân, từ cựu lãnh đạo hàng đầu của đất nước đến người dân thường, ai nấy đều thể hiện rất rõ tình thương yêu với tôi, một người Việt Nam ở nước ngoài có khát vọng được trở về để hiểu thêm về quê hương, đất nước, từ đó nỗ lực góp phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc, để mọi người Việt Nam chung tay vì đất nước. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều tỏ ra quảng đại, giản dị, chân chất, thiết tha mong muốn người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đều nhìn về một hướng, cùng đi trên một con đường vì lợi ích dân tộc. Nghe một vị cắt nghĩa cho tôi về việc cần quan tâm đến chữ Tâm, cho rằng hòa hợp dân tộc phải xây dựng trên chữ Tâm, ai không có Tâm thì nhận ra ngay, tôi thật sự khâm phục, nhập tâm hướng dẫn của vị cựu lãnh đạo. Rồi những người bình thường như anh Ba Trí ở Bạc Liêu đã bán hai tấn lúa để có lộ phí từ Bạc Liêu lên TP Hồ Chí Minh, chờ hai ngày để tìm cách gặp tôi. Rồi bác Bảy lặn lội từ Bến Tre lên TP Hồ Chí Minh để dặn dò tôi làm nhiều việc tốt hơn nữa cho đất nước. Rồi những người tôi gặp ở Cao Bằng, Quảng Ninh... đã giúp tôi cảm nhận sâu xa về tình cảm của đồng bào mình. Sự chân tình của họ giúp tôi củng cố niềm tin về ý nguyện của mình. Vâng, sự phát triển của đất nước và cách tiếp đón đầy tình người đã làm cho lòng tôi thật sự tỉnh ngộ và trở nên ấm áp. Tôi tìm được chính bản thân tôi trong lòng “Mẹ Việt Nam”. Trước sự nghiệp lớn của dân tộc, giữa hàng triệu người đang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tôi biết mình chỉ là một người con nhỏ bé, nhưng dù bé nhỏ tôi vẫn sẽ cố gắng dành tất cả tâm huyết, nghị lực để đóng góp vào chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
HOÀNG DUY HÙNG (HOUSTON - MỸ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” - 90 năm nhìn lại

Lịch sử vẻ vang của Đảng 90 năm qua là lịch sử chiến đấu, hy sinh, thế hệ tiếp nối thế hệ của những người Cộng sản Viê...