19/2/20

Bàn tay không che nổi mặt trời!

Hai ngày, 9 và 10/2 vừa qua, phi hành đoàn 15 người, tuyển chọn từ gần 100 phi công, tiếp viên, kỹ thuật viên tình nguyện, cùng chiếc máy bay VN-A604 của Hãng hàng không quốc gia VN (VietnamAirlines) đã thực hiện hai chuyến bay đặc biệt theo chỉ đạo của Chính phủ VN. Tối 9/2, từ sân bay quốc tế Nội Bài, bay thẳng tới thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Nam, TQ, nơi đang là tâm dịch COVID-19, mang theo số trang thiết bị, vật tư y tế trị giá 600.000 USD của Chính phủ, nhân dân cùng Hội Chữ thập đỏ VN viện trợ khẩn cấp cho TQ chống dịch, cùng một số trang thiết bị y tế của Vietnam Airlines ủng hộ các hãng hàng không TQ.
Cùng trong chuyến bay này, còn có 11 công dân TQ được VN hỗ trợ đưa trở về Vũ Hán theo nguyện vọng với sự đồng ý của phía TQ.
Và, ngay ngày hôm sau, từ Vũ Hán trở về, nó hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh lúc 5h4’ ngày 10/2, mang theo 30 công dân VN bao gồm sinh viên và người thân, khách du lịch, trong đó có trẻ em và một phụ nữ mang thai.
Đương nhiên, được Chính phủ hỗ trợ trở về từ tâm dịch Vũ Hán theo nguyện vọng, 30 hành khách được lực lượng y tế kiểm tra tình trạng sức khỏe, cách ly để phòng dịch, nhằm bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Thời điểm 5 giờ mùa đông ở tỉnh miền đông-bắc như Quảng Ninh, trời còn chưa sáng hẳn. Trong ánh đèn vàng của sân bay Vân Đồn, người ta dường như vẫn thấy nụ cười rạng rỡ, ánh mắt vui mừng bên trong khẩu trang, kính bảo vệ của những hành khách trên chuyến bay đặc biệt nêu trên.
“Thoát nạn. Ở bên kia 5, 6 ngày không dám mở cửa” – lời nói không giấu nổi vui mừng của một nữ hành khách trẻ. “Em thấy rất vui vì đã thoát khỏi nơi dịch bệnh. Cảm ơn Chính phủ VN đã giúp chúng tôi trở về” – Lời của một phụ nữ bế trên tay đưa trẻ chưa thôi nôi. “Cảm ơn mọi người. Cảm ơn Chính phủ đã luôn bên cạnh và luôn yêu thương công dân VN…” – Lời của một phụ nữ khác cùng là hành khách bất đắc dĩ,v.v…
Nhà đài hẳn không thể phỏng vấn tất cả 30 hành khách đặc biệt. Nhưng chắc chắn, những lời nói có tính đại diện đó là thật lòng.
Trở về đất mẹ sau những ngày đầy lo âu, hoang mang giữa tâm dịch, họ thấu hiểu thế nào tình nghĩa quê hương.
Chắc chắn, họ cũng không thể không biết, để đón được họ trở về, Chính phủ đã chỉ đạo cả hệ thống các cơ quan, ban ngành liên quan, trong đó có Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 xây dựng và thực hiện một kế hoạch chính xác tới từng chi tiết.
Những điều đó khác hẳn với những những tin đồn sai lệch, thậm chí là những thông tin xuyên tạc cho rằng: Chính phủ vô cảm trước nỗi thống khổ công dân VN đang mắc kẹt trong vùng dịch ở bên kia biên giới (!?)
Chuyến bay đưa công dân VN trở về từ tâm dịch Vũ Hán chỉ là một thí dụ điển hình gần nhất. Vẫn còn đó những việc làm không thể quên về tấm lòng của người dân trong nước, của Nhà nước VN với đồng bào của mình trong cơn hoạn nạn.
Còn nhớ, tháng 3/2011, cuộc nội chiến tại Lybya đẩy hơn chục nghìn lao động VN vào tình thế hiểm nghèo. Thời điểm đó, Lybya khốc liệt bao nhiêu thì tại VN, triệu tấm lòng cùng sục sôi bấy nhiêu, đau đáu, trăn trở với việc làm cách nào để giải cứu đồng bào mình nơi đất khách đầy nắng, gió, giờ lại thêm lửa đạn.
Chiến sự Lybya ngày càng lan rộng. Tình thế cấp bách, khẩn trương.
Với quyết tâm cứu giải cứu lao động VN bằng mọi giá, một cầu hàng không có quy mô lớn nhất VN, cho tới thời điểm đó, với 9 chuyến bay được thiết lập, đưa hơn 3000 lao động VN về nước (số còn lại về bằng đường biển hoặc sơ tán sang nước thứ ba).
Còn nhớ, khi đó, nhiều người nước ngoài cảm thấy tủi thân và ao ước được như lao động VN vì thấy máy bay của Vietnam Airlines liên tục bay tới Tunisia để đưa công dân về nước. Còn Tổ chức di dân quốc tế (IOM) đã đánh giá rất cao VN là một trong những nước đầu tiên tích cực, khẩn trương tổ chức đưa công dân về nước an toàn và hiệu quả.
Tại sao VN làm được điều đó trong điều kiện cũng rất khó khăn ?
Thì đây, phát ngôn của bà Nguyễn Thị Kim Ngân (thời điểm đó, là Bộ trưởng Bộ LĐ,TB,XH có thể coi là lời giải thích rõ ràng và thuyết phục: “Trong cuộc giải cứu này không có chuyện mặc cả tiền bạc, điều kiện với các nước trong khu vực mà mục đích là nhanh chóng đưa người lao động về nước an toàn”.
Có thể nêu thêm một thí dụ nữa: vụ bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương (ĐTH)
Cách đây 3 năm, nữ công dân VN này được cho là một trong 2 nghi phạm nữ trong vụ ám sát Kim Jong-nam tại Malaysia ngày 13/2/2017 và bị bắt giữ tại Malaysia.
Quá trình xét xử kéo dài tới 2 năm bề bộn những thách thức về ngoại giao, những phức tạp về pháp lý.
Trong khi một bộ phận dư luận xã hội nôn nóng về số phận của ĐTH với những bàn luận đầy cảm tính; một số thành viên cộng đồng MXH, thậm chí, còn hô hoán, kết tội vô căn cứ rằng, NNVN tắc trách, không thực hiện việc bảo hộ, bỏ rơi công dân của mình, thì các cơ quan tư pháp và ngoại giao VN, với tinh thần trách nhiệm rất cao, đã rất nỗ lực và âm thầm thực hiện những công việc cần thiết nhằm bảo hộ quyền lợi của ĐTH trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và nước sở tại.
Cuối cùng, sau 2 năm bị giam giữ, ĐTH đã được trả tự do.
Tự do cho ĐTH – đó chính là thắng lợi của quá trình chỉ đạo liên quan đến công tác bảo hộ công dân – nói như ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 4/5/2019.
Giải cứu thành công hơn 10400 lao động VN ở Lybya; bảo vệ thành công quyền lợi của ĐTH tại một phiên tòa phức tạp ở nước ngoài; đưa thành công 30 công dân, theo nguyện vọng của họ, về nước trong ngày 10/2 vừa qua. Và còn nhiều, nhiều nữa các trường hợp bảo hộ thành công quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân VN mà nhà nước VN thực hiện trong nhiều năm qua nói lên rằng: vu khống, xuyên tạc, bịa đặt là việc những kẻ thiếu thiện chí, thù địch đã làm, đang làm và sẽ tiếp tục làm.
Tuy nhiên, dù vậy, như một câu tục ngữ: “Bàn tay không thể che nổi mặt trời”. Trong cuộc sống, sự thật, những điều tử tế, việc tử tế tự nó nói lên tất cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” - 90 năm nhìn lại

Lịch sử vẻ vang của Đảng 90 năm qua là lịch sử chiến đấu, hy sinh, thế hệ tiếp nối thế hệ của những người Cộng sản Viê...