Ngày 20/02 vừa qua, trang
facebook RFA Tiếng Việt đăng bài viết: “Việt Nam sẽ thế nào
khi tiếp tục chính sách “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc?”, đã xuyên tạc
chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Bài đăng xuyên tạc của các đối tượng
Họ cho rằng, việc Việt Nam bắt tay cả với Mỹ
và Trung Quốc là đang thực hiện chính sách “đu dây”, không dứt
khoát. Đồng thời, cố tình lợi dụng, rêu rao những “hạn chế” trong
sự phát triển về nhân quyền của nước ta đang ngăn cản mối quan hệ hợp tác của
Việt Nam với các quốc gia dân chủ, đặc biệt là Mỹ. Phía Hoa Kỳ quan ngại
về “thành tích” nhân quyền đang bị “teo tóp” của
Việt Nam trong mấy năm vừa qua; là rào cản trong việc cải thiện quan hệ song
phương, v.v.
Thực tế, Việt Nam luôn quán triệt, thực hiện
nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và
phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập,
hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn
lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có
lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Việt Nam là
thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng
quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào hòa bình, độc lập dân tộc,
dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Sẵn sàng thiết lập mối quan hệ hợp tác
với tất cả các quốc gia trên thế giới, với bất cứ ai tôn trọng độc lập, chủ
quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Việt Nam đã thiết lập quan
hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; thiết lập
khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện.
Riêng trong mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam vừa tăng cường quan hệ
với Trung Quốc, vừa làm sâu sắc hơn quan hệ với Mỹ trên cơ sở mối quan hệ hợp
tác giữa Việt Nam và các nước này ngày càng trở nên tốt đẹp, thực chất và hiệu
quả hơn. Việc thiết lập và củng cố quan hệ ngoại giao với Mỹ và Trung Quốc là
đúng đắn, phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xây dựng, phát triển và
bảo vệ Tổ quốc, không phải là “đu dây” như RFA rêu rao.
Đối với luận điệu cho rằng, những thành tựu
về nhân quyền của Việt Nam ngày càng “teo tóp”, ngăn cản hợp tác
ngoại giao của Việt Nam, là chiêu bài quen thuộc của các trang mạng có khuynh
hướng chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thực tế sinh động về thành tựu nhân
quyền tại Việt Nam, nhất là điểm sáng trong phòng, chống, đối phó với đại dịch
Covid-19 của Đảng và Nhà nước ta với thông điệp: “chống dịch như chống
giặc”, “tất cả vì tính mạng của nhân dân, không để ai bị bỏ lại
phía sau”, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, coi Việt Nam
là “hình mẫu”, là minh chứng rõ ràng và hùng hồn nhất bác bỏ
mọi luận điệu mà RFA và các đối tượng chống phá rêu rao. Các giá trị nhân quyền
tại Việt Nam là dành cho mọi người dân Việt Nam, chứ không phục vụ riêng cho
những yêu sách của một số đối tượng núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền” để
chống phá.
Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ trong
quan hệ quốc tế của Đảng, Nhà nước Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với
xu thế của thời đại. Không ai có thể yêu cầu Việt Nam phải “nghiêng” về “phe
này”, chạy theo “phe kia”. Mặt khác, càng không thể để cho
các thế lực lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” chi phối
đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia - dân tộc
và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang nỗ
lực phấn đấu thực hiện./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét